NGHỀ CÁ PHƯỚC TỈNH-BAO GIỜ SẼ ĐẾN NGÀY XƯA?

Kỳ 2: Thay đổi để phục hồi

Thứ Hai, 03/07/2023, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Giảm lượng tàu cá có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đầu tư công nghệ cao là những việc mà ngư dân xã Phước Tỉnh đã và phải thực hiện để hướng tới làm nghề bền vững.

Lãnh đạo huyện Long Điền cùng các cơ quan chức năng cà phê sáng trò chuyện, nắm bắt tâm tư và tặng cờ tổ quốc động viên ngư dân xã Phước Tỉnh.
Lãnh đạo huyện Long Điền cùng các cơ quan chức năng cà phê sáng trò chuyện, nắm bắt tâm tư và tặng cờ tổ quốc động viên ngư dân xã Phước Tỉnh.

Hướng tới đánh bắt hải sản bền vững

Theo UBND xã Phước Tỉnh, tổng số tàu cá của xã hiện nay là 983 chiếc, trong đó tàu đánh bắt vùng khơi (chiều dài 15m trở lên) có 858 chiếc, chiếm hơn 87%. Số tàu đánh bắt vùng khơi đang nằm bờ lên đến 343 chiếc. Nhưng số lượng tàu nằm bờ không phản ánh sự “ảm đạm” về tương lai nghề cá của xã, vì hầu hết đều là tàu hành nghề lưới kéo đôi (giã cào)-loại phương tiện bị cấm hoạt động ở vùng bờ và vùng lộng.

Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết, phần lớn các tàu nằm bờ hoặc đang rao bán trên địa bàn xã là tàu giã cào đánh bắt có tính tận diệt. Đây là loại tàu không được cấp phép hoạt động mới, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới khai thác bền vững. “Trước sự thay đổi như vậy, ngư dân từ trước đến nay hành nghề lưới kéo sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng xét đến lợi ích lâu dài và toàn cục của nghề khai thác hải sản, thì đây chỉ là một bước lùi tạm thời”, ông Thạch nói.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, lâu nay, ngư dân đã quen với cách đánh bắt tận diệt bằng giã cào dẫn tới phá hủy môi trường tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, ảnh hưởng tới các loài như: san hô, rùa biển, vích, đồi mồi, bò biển và tận diệt ngư trường… Định hướng của tỉnh sẽ giảm 100% tàu lưới kéo vùng bờ và vùng lộng. Số tàu lưới kéo hiện nay khi hết niên hạn hoạt động sẽ tự giải bản.

Ghe tàu ở cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh) chuẩn bị nguyên liệu ra khơi.
Ghe tàu ở cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh) chuẩn bị nguyên liệu ra khơi.

Chờ ngày “tôm cá đầy khoang”

Ông Trần Ngọc Phương (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 4 cặp tàu lưới kéo đôi công suất bình quân 650 CV/tàu. Sau khi có quy định không được phép đánh bắt lưới kéo vùng bờ và vùng lộng, ông luôn chấp hành, cho tàu đánh bắt vùng khơi các loại mực, cá lớn, tránh tận diệt cá nhỏ. Ông cũng không cho tàu ra biển đánh bắt trong mùa cá sinh trưởng. “Tàu của tôi đóng từ năm 2014 và gia đình cũng xác định khi tàu vào giai đoạn hư hỏng, không thể đi biển thì sẽ không đóng mới loại tàu lưới kéo này nữa”, ông Phương nói.

Một trong những điểm đáng chú ý là khi tỉnh thực hiện chủ trương chuyển đổi loại hình đánh bắt, ngư dân xã Phước Tỉnh đã có nhiều hình thức thích ứng. Đặc biệt là sự ra đời của các tổ hợp tác làm nghề, giúp giải quyết việc làm cho lao động. Bên cạnh đó, các tổ hợp tác trên biển cũng được thành lập, ngư dân có điều kiện liên kết sản xuất, cải tiến trang thiết bị, đem đến hiệu quả khai thác rõ rệt.

Có thể thấy rõ sự thích ứng mau lẹ và khá hiệu quả trước yêu cầu của sự thay đổi ngay tại HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng (ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh).

Các cơ quan chức năng xã Phước Tỉnh tuyên truyền pháp luật, Luật Thủy sản,  quy định không đánh bắt cá tận diệt đến từng nhà ngư dân.
Các cơ quan chức năng xã Phước Tỉnh tuyên truyền pháp luật, Luật Thủy sản, quy định không đánh bắt cá tận diệt đến từng nhà ngư dân.

HTX này đã đẩy mạnh cả hai mảng khai thác trên biển và dịch vụ hậu cần trên bờ để tăng thêm thu nhập cho lao động. Năm 2016, Ban Giám đốc mạnh dạn vay vốn nâng cấp cho đội tàu 18 chiếc của HTX với số tiền gần 6 tỷ đồng. Các tàu cá được trang bị máy kết đông lấy nước biển làm nước đá trực tiếp nên đảm bảo chất lượng hải sản đồng thời tiết kiệm được một phần nhiên liệu. Tàu được nâng cấp máy có công suất lớn, sắm hộp số tới 12 tua, trang bị lưới loại dài từ 50-70m.

Mới đây, các tàu của HTX còn được đầu tư thêm máy tầm ngư, ra đa, máy giám sát hành trình kiêm điện thoại vệ tinh để tăng hiệu quả khai thác và thông tin liên lạc, hạn chế rủi ro. “HTX cũng vừa đầu tư mới 2 máy lấy nước biển làm nước uống với giá trị hơn 160 triệu đồng phục vụ đoàn tàu, mang lại hiệu quả kinh tế 12 triệu đồng/chuyến biển”, ông Nguyễn Trính, Giám đốc HTX cho biết.

Với những nỗ lực “tự cứu” đó, những chuyến đi biển của HTX khai thác hiệu quả hơn, chi phí giảm mà chất lượng hải sản lại tăng lên. Năm 2022, doanh thu của HTX là 54 tỷ đồng, thu nhập của thành viên HTX là hơn 31 triệu đồng/tháng, còn của người lao động là hơn 11 triệu đồng/tháng.

Tàu cá lưới kéo của ông Trần Ngọc Phương (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh)  chấp hành đúng quy định đánh bắt vùng khơi các loại mực, cá lớn, tránh tận diệt  cá nhỏ và khi hết niên hạn sẽ giải bản tàu.
Tàu cá lưới kéo của ông Trần Ngọc Phương (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh) chấp hành đúng quy định đánh bắt vùng khơi các loại mực, cá lớn, tránh tận diệt cá nhỏ và khi hết niên hạn sẽ giải bản tàu.

Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho rằng, với nỗ lực mở rộng thêm các tổ nghề nghiệp làm dịch vụ, kinh doanh trên bờ gắn với nghề biển, cùng ý thức gìn giữ bảo vệ ngư trường, cải tiến phương tiện đánh bắt hiện đại theo hướng bền vững, thì nghề cá sẽ sớm phục hồi, làng cá Phước Tỉnh sẽ giàu lên.

Chính sách đang đồng hành cùng ngư dân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh đang hoàn thiện Đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh sang nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác hải sản, tỉnh cũng tạo nguồn vốn hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng khai thác, nuôi trồng bền vững, nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường chế biến sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản để tạo công ăn việc làm phù hợp cho ngư dân khi chuyển đổi ngành nghề, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
;
.