Nghề cá Phước Tỉnh - Bao giờ sẽ đến ngày xưa?

Kỳ 1: Tàu nằm bờ, nhớ thời vàng son

Chủ Nhật, 02/07/2023, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Đến Phước Tỉnh những ngày này, khó có thể thấy lại quang cảnh của “thời vàng son” ghe tàu ăm ắp tôm cá, tấp nập vào bờ. Tàu giã cào (lưới kéo đôi) nằm bờ, phơi nắng, phơi gió, có chiếc ngập sâu trong bùn làm chỗ cho hàu bám... Cũng phải thôi, đây là loại phương tiện bị hạn chế đánh bắt ở vùng bờ và vùng lộng. Vì chính nó, là ngọn nguồn dẫn đến ngư trường cạn kiệt...

Những chuyến biển hiện nay phần lớn chỉ thu được các loại cá nhỏ, ít có giá trị kinh tế. Trong ảnh: Ngư dân phân loại cá sau chuyến biển.
Những chuyến biển hiện nay phần lớn chỉ thu được các loại cá nhỏ, ít có giá trị kinh tế. Trong ảnh: Ngư dân phân loại cá sau chuyến biển.

Đi biển bây giờ khó trúng như trước

Đến khu cảng cá, chợ cũ Phước Tỉnh những ngày này, nhiều người sẽ bắt gặp những gương mặt ngư dân đang đăm chiêu hơn thường lệ. Câu hỏi thăm nhau không phải là sức khỏe, mà “ghe có lỗ không?”

Trong câu chuyện bên ly cà phê cuối tuần, ngư dân Nguyễn Thanh Quang (xã Phước Tỉnh) tâm sự về chặng đời “xuống dốc không phanh của mình” chỉ với một câu: “Tôi từng là chủ 4 chiếc ghe còn giờ phải bỏ nghề, đi làm công nhân cơ khí”.  

Các bàn bên cạnh, ngư dân hỏi thăm nhau chừng nào ghe vào, được bao nhiêu? Một chủ tàu than vài ngày nữa ghe mới về nhưng nghe tài công báo cá không được nhiều, chắc lỗ khoảng 100 triệu đồng. Các chủ ghe khác nghe thế quay qua nói: “Trăm triệu mà lỗ gì, xem như huề vốn. Ghe tôi vừa vào lỗ 300 triệu nè”.

Ngư dân Trần Văn Nhuận (ấp Phước Lợi) nghe thế càng chạnh lòng. Nhà ông giờ còn một cặp ghe lưới kéo với công suất trên 800CV/ghe, đi đánh bắt xa bờ các loại cá đổng, cá đỏ, ngừ, mực ống… “Trước đây, đi biển, không trúng đậm cũng có lãi. Nhưng năm nay đi 2 chuyến biển lỗ cả 2, chuyến sau càng lỗ nặng hơn chuyến trước, tổng cộng tôi mất khoảng 1,5 tỷ đồng. Không đi biển giờ tôi cũng không biết làm gì. Rao bán ghe thì chẳng ai mua, mà nằm bờ xuống cấp rất nhanh, càng mất giá”, ông Nhuận buồn rầu kể.

Kiểm tra giấy tờ ra vào cảng, nhật ký khai thác của tàu cá ở cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh.
Kiểm tra giấy tờ ra vào cảng, nhật ký khai thác của tàu cá ở cảng cá Tân Phước, xã Phước Tỉnh.

Mọi người an ủi ông Nhuận: Thôi ráng, biển có lúc này lúc khác. Có ông còn đang nợ ngân hàng cả chục tỷ đồng. Ông Nhuận gượng cười khi biết mọi người đang nhắc đến bạn ông- ông C.V.N., vay 33 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Hoạt động được 2 năm đến cuối năm 2019, tàu của ông C.V.N., không được vận chuyển xăng dầu nữa mà chỉ được vận chuyển nước đá cây và hải sản. Việc thay đổi giấy phép khiến việc kinh doanh của gia đình ông N. thua lỗ. Hiện gia đình ông còn nợ ngân hàng 29 tỷ đồng. Áp lực phải trả nợ cùng với chi phí thuê chỗ neo đậu cho tàu, nhân công trông coi, bảo dưỡng tàu làm gia đình ông N. khánh kiệt, lâm vào cảnh nợ nần không lối thoát.

Khó khăn kéo đến cùng lúc…

Khó khăn của ngư dân Phước Tỉnh là khó khăn chung của ngư dân cả nước, một phần do ngư trường cạn kiệt sau thời gian dài tồn tại phổ biến các loại hình đánh bắt tận diệt, đặc biệt là các loại tàu giã cào khai thác ở vùng bờ và vùng lộng. 

Thêm vào đó là ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và giá xăng dầu tăng cao. “Dịch COVID-19 năm 2020, rồi năm 2021 các tàu phải nằm bờ khiến tàu xuống cấp rất nhanh, các chủ ghe phải bỏ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để duy tu, sửa chữa lại mới có thể đi biển. Đã không có thu nhập, tốn thêm tiền sửa tàu, năm 2022 - 2023 đi biển lại liên tục lỗ, khiến ngư dân kiệt sức, mắc nợ phải bán tháo tàu cá”, ông Nguyễn Văn Nhỏ, ngư dân ở ấp Phước Hiệp chia sẻ.

Đi dọc bờ biển Phước Tỉnh cùng cán bộ phụ trách mảng thủy sản UBND xã Phước Tỉnh, khó có thể thấy vui khi nhìn vào hàng trăm tàu đang nằm bờ, chờ rao bán. Có tàu lớn, có tàu nhỏ, đa phần là tàu vỏ gỗ. Nhiều tàu nhìn xơ xác, chân tàu bám đầy vỏ hàu. Có tàu nằm bờ cả năm không ai mua, xuống cấp trầm trọng phải tháo từng bộ phận máy móc đi bán lẻ, xác tàu mang bán ve chai với mong muốn kiếm lại chút vốn.

“Nghề biển ngộ lắm, ghe tàu đi biển thì tàu không bị gì, nhưng chỉ cần nằm bờ vài tháng là tàu xuống cấp rất nhanh, hàu bám đầy đáy tàu, gỉ sét, long ốc, hở keo, bung gỗ. Vì lý do này nên dù bị lỗ, nhiều chủ tàu vẫn phải cắn răng đi biển, đến lúc trong nhà hết tiền mới phải bắc đắc dĩ cho tàu nằm bờ, rao bán”, vị cán bộ phụ trách thủy sản giải thích.

Ông Tạ Thái Sơn (ấp Phước Hiệp) cho biết, ông vừa bán tháo cặp tàu đôi đi giã cào với giá 340 triệu đồng/cặp, trong khi giá trị thực tế của 2 tàu này lên đến gần 2 tỷ đồng. Ông rao hơn cả năm và phải hạ giá tới đáy như vậy mới có thể bán. “Bán được là mừng rồi, giờ có tàu xả ra rao bán ve chai còn không ai mua”, giọng ông Sơn trầm xuống.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

;
.