Đồng vốn quý giá với thương, bệnh binh

Thứ Năm, 20/07/2023, 19:55 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi chính sách, nhiều gia đình thương, bệnh binh có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Quang Nhận sửa xe cho khách.
Ông Trần Quang Nhận sửa xe cho khách.

Còn sức, còn làm

Mang trong mình 7 mảnh đạn, mỗi lúc trái gió trở trời cơ thể đau ê ẩm, nhưng ông Trần Quang Nhận (24 Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP. Vũng Tàu) hàng ngày vẫn nhận sửa chữa xe máy, xe đạp cho khách. Ông Nhận chia sẻ: “Tôi làm không phải vì quá thiếu thốn. Cuộc sống cũng không khó khăn như trước nữa, nhưng nếu không có việc gì làm thì buồn lắm. Bản thân tôi không muốn ngồi yên”.

Ông Nhận sinh năm 1949 quê ở Ninh Bình, là thương binh hạng 4. Năm 1995, ông rời quê hương vào Vũng Tàu sinh sống. Trong những năm đầu vào vùng đất mới lập nghiệp, ông làm đủ nghề từ chăn nuôi, đánh bắt hải sản, sửa chữa xe đạp. Dù bận rộn suốt ngày nhưng cuộc sống gia đình lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau.

Năm 2003, ông được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) 15 triệu đồng. Có vốn, ông mua sắm máy bơm hơi, phụ tùng phục vụ cho việc sửa xe máy, xe đạp. Có đầy đủ phương tiện làm việc, khách hàng đến với ông đông hơn nên đến năm 2010 ông không chăn nuôi, đánh bắt hải sản nữa mà chỉ tập trung vào nghề sửa chữa xe. Thu nhập từ nghề sửa xe, ngoài việc trang trải cuộc sống hàng ngày, ông tích góp trả đúng hẹn cho ngân hàng nên từ đó đến nay ông được NHCS cho vay thêm nhiều lần. Số tiền được vay cũng tăng dần, ông dùng để đầu tư thêm máy móc, mở rộng cửa hàng.

Ông Nhận cho biết, cuộc sống gia đình tôi đổi thay một phần là nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn vốn cho vay chính sách kịp thời từ NHCSXH, giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng phát triển, thu nhập cải thiện, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Hiện nay, các cháu đã có việc làm ổn định, lập gia đình. “Giờ tôi chỉ làm túc tắc, mỗi ngày cũng có thu nhập 300-350 ngàn đồng”, ông Nhận cho hay.

Theo NHCSXH tỉnh, tính đến 30/6, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng gần 4.100 tỷ đồng/76.780 hộ vay, tăng gần 302 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ uỷ thác thông Hội Cựu chiến binh gần 622 tỷ đồng, chiếm 15,3%.

 

Trăn trở vươn lên

Gia đình ông Lê Tuấn Anh, thuộc gia đình chính sách ở ấp Liên Đức (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Ông Tuấn Anh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 2014, gia đình ông Tuấn Anh còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế khó khăn lại phải trang trải chi phí cho 3 con đang đi học, vợ chồng ông luôn trăn trở làm sao để thoát nghèo, nuôi con ăn học đầy đủ.

Tháng 5/2014, gia đình ông được Ngân hàng Chính sách cho vay 30 triệu đồng. Với số tiền vay được, ông Tuấn Anh mua 2 con bò giống, chăn nuôi sinh sản. Mỗi năm ông có 2 con bê.  Chăm sóc gần 1 năm thì xuất bán được từ 12-15 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ chăn nuôi bò, gia đình ông Tuấn Anh còn được vay thêm vốn làm vườn, trồng cây ăn trái nên thu nhập hàng năm cũng khá, có điều kiện nuôi các con ăn học. Đến năm 2020, gia đình ông Tuấn Anh thoát nghèo.  

Trong thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để nâng cao đời sống đối tượng chính sách. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn ủy thác qua NHCS giúp cho gia đình chính sách được khoản vay  để họ có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2023, có 7/8 đơn vị cấp huyện chuyển nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH số tiền 14,5 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng hơn 151 tỷ đồng so với đầu năm.  

Nguồn vốn ưu đãi chính sách đã giúp cho nhiều hộ gia đình cựu chiến binh, thương bệnh binh thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính nghị lực bản thân và mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: HÀ AN

;
.