Để những siêu tàu cập cảng an toàn

Thứ Sáu, 14/07/2023, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Để đón những siêu tàu vào cụm cảng Cái Mép-Thị Vải an toàn, thành công, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cảng và những người được giao nhiệm vụ đã bao đêm “mất ăn, mất ngủ”.

PV GAS tiếp nhận thành công chuyến tàu Maran Gas Achilles đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam.
PV GAS tiếp nhận thành công chuyến tàu Maran Gas Achilles đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam.

Tuần qua, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải tiếp tục “đánh dấu” hình ảnh của Bà Rịa-Vũng Tàu trên bản đồ hàng hải thế giới khi Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tiếp nhận thành công chuyến tàu chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam mang tên Maran Gas Achilles.

Kể về sự kiện này, ông Lê Phước Khôi, Phó Giám đốc Công ty Quản lý dự án khí cho biết, để việc tổ chức tiếp nhận tàu Maran Gas Achilles bảo đảm an toàn, PV GAS đã có sự chuẩn bị trong thời gian 1,5 năm, hoàn thiện từ thủ tục pháp lý đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng.

Các đơn vị liên quan đã phải lên phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu chở hàng LNG có trọng tải trên 60.000 DWT đến 100.000 DWT, với những tính toán kỹ lưỡng từ điều kiện khí tượng thủy văn tới các vấn đề liên quan như hoa tiêu, tốc độ tàu hành trình trên luồng, vị trí quay trở, tốc độ và góc tàu cập cầu. Ngay khi tàu Maran Gas Achilles tiến vào khu vực phao số 0, cách cầu cảng PV GAS khoảng 32km, các hoa tiêu ngoại hạng dày dặn kinh nghiệm, trước đó đã được tham gia các lớp mô phỏng buồng lái tàu LNG và chuyên gia hàng hải lên tàu phối hợp cùng thuyền trưởng và 4 tàu lai loại Azimuth (cùng công suất 5.000 HP) để đưa tàu cập cảng an toàn.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, tàu container OOCL Spain cập Cảng quốc tế Gemalink cũng đã đánh dấu mốc mới cho ngành hàng hải Việt Nam khi lần đầu đón chuyến tàu sức chở 24.188 TEU. Với tổng chiều dài 399,9m, chiều rộng 61,3m, cùng mớn nước tàu vào -15m và mớn nước tàu ra -15.5m, OOCL Spain được xếp hạng là một trong những siêu tàu container lớn nhất thế giới.

Để đón chuyến tàu lớn, các đơn vị liên quan từ DN cảng, hoa tiêu, lai dắt, đội ngũ tư vấn cùng cơ quan quản lý hàng hải phải liên tục họp bàn, đánh giá tình hình cũng như tìm phương án tối ưu, cách phối hợp giữa các lực lượng để đưa tàu vào cảng an toàn.

PV GAS tiếp nhận thành công chuyến tàu Maran Gas Achilles đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam.
PV GAS tiếp nhận thành công chuyến tàu Maran Gas Achilles đảm nhận sứ mệnh chở chuyến hàng LNG đầu tiên về Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast) cho hay, trước đó đội ngũ tư vấn đã phải tham gia đánh giá kết cấu luồng tại khu vực và kết cấu cầu cảng, để chắc chắn có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 250.000 DWT. Kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu từ những lần đón tàu lớn trước đó được tận dụng triệt để để giảm bớt thời gian và sức lực.

Là người có kinh nghiệm kỳ cựu trong nghề hoa tiêu, song hoa tiêu ngoại hạng Lê Ngọc Dương (Công ty CP Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu) cho biết, khi được  giao nhiệm vụ đón “siêu tàu” cập cảng Gemalink ông rất căng thẳng. Trước ngày tàu vào hơn 1 tháng, đại lý hãng tàu và cảng đã gọi ông để nhờ tư vấn việc đưa tàu vào. Sau khi đánh giá mọi yếu tố từ độ sâu luồng, thủy triều, dòng chảy, điều kiện tự nhiên và thời tiết dự kiến... ông mới dám nhận nhiệm vụ dẫn tàu.

“Ngày 29/3, trời quang mây tạnh nhưng gió mạnh. Lực lượng chức năng dùng cano “dọn đường” các ghe cá và sà lan, dẹp luồng cho tàu vào cảng. 4 tàu lai Azimuth công suất 5.000HP được huy động để lai dắt “siêu tàu”. Từ biển khơi, tàu OOCL Spain lừng lững tiến vào bến cảng. Khi tàu đến phao số 0 của luồng Cái Mép-Thị Vải, hoa tiêu đã lên tàu trao đổi với thuyền trưởng về thông số kỹ thuật, tính năng của tàu cùng các điều kiện để đưa tàu vào cảng. Hơn 2 tiếng dẫn tàu container thuộc top lớn nhất thế giới vào cảng là khoảng thời gian tôi cùng đồng đội tập trung cao độ, không dám lơ là dù chỉ một giây”, ông Dương cho biết thêm.

Trước OOCL Spain, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) từng đón tàu container Margrethe Maersk vào năm 2020. Tàu được mệnh danh là “quái vật biển cả”, có trọng tải tới 214.121 DWT, sức chở hơn 18.000 TEU và chiều dài gần 400m, là tàu lớn nhất cập Cái Mép-Thị Vải tính tới thời điểm đó.

Nhớ lại sự kiện này, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT kể, từ tháng 8/2020, ông đã lặn lội sang trụ sở của hãng tàu Maersk Line (Copenhagen-Đan Mạch) để thương lượng việc đưa tàu có hàng vào cập cảng Cái Mép-Thị Vải. Ban đầu, hãng có chút e dè bởi những hạn chế của khu cảng. Tuy là cảng biển, song khu Cái Mép-Thị Vải vẫn có khúc cảng sông. Cuối cùng, hãng tàu của Đan Mạch đã đồng ý.

Trở về Việt Nam, ông Kỳ lại tất bật làm giấy xin cấp phép từ Bộ GT-VT, Cục Hàng hải Việt Nam, xin yêu cầu tư vấn chạy mô phỏng shipma, lên hàng chục kịch bản trước khi lựa chọn kịch bản mô phỏng buồng lái.

“Một ngày đón tàu nhưng chúng tôi phải chuẩn bị suốt vài tháng. Các đơn vị tư vấn, DN cảng đã phải nghiên cứu ngày đêm tới quên cả ăn uống, lập tới 16 tổ hợp kịch bản tàu chạy trên luồng để đánh giá mức độ an toàn và tàu phải chạy thử nghiệm trước đó vài năm. Tàu cập cảng an toàn an nấy mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Kỳ chia sẻ thêm.

Có thể nói, để đón được những “siêu tàu”, không chỉ là sự quyết tâm của cảng mà của cả hãng tàu. Các sự kiện trên đã mở ra chương mới cho ngành hàng hải Việt Nam nói chung và Cái Mép-Thị Vải nói riêng. Từ khi đón thành công “siêu tàu” đầu tiên, đến nay Cái Mép-Thị Vải có thêm nhiều cơ hội đón những tàu trọng tải lớn cập cảng thường xuyên và trở thành “top 12” cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.