Lợi nhuận cao từ nuôi lươn không bùn

Thứ Tư, 28/06/2023, 21:09 [GMT+7]
In bài này
.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng đã đem lại lợi nhuận cao cho nông dân trong thời gian qua.

Ông Trần Tấn Giang chăm sóc lươn tại trang trại.
Ông Trần Tấn Giang chăm sóc lươn tại trang trại.

Sau nhiều lần thất bại, ông Trần Tấn Giang (ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) đang thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, không dùng giá thể. Mỗi năm doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Ông Giang cho biết, trước khi nuôi lươn không bùn, không giá thể, ông nuôi gà công nghiệp. Do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh nhiều, thu nhập từ nuôi gà công nghiệp thấp nên ông chuyển sang nuôi lươn giống và lươn thương phẩm. Năm 2009, ông Giang tìm hiểu quy trình nuôi và xây 3 bể nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên ông đã thất bại, mất cả vốn và công chăm sóc. Đến năm 2019, dù đã bỏ hết vốn liếng để đầu tư trại lươn hoàn chỉnh nhưng một lần nữa ông lại thua lỗ.

Không chấp nhận thất bại, ông nhờ người thân tìm mối đặt mua 60.000 con lươn bột (cỡ 45.000 con/kg) với giá 900 đồng/con về ương nuôi. Sau 3 năm, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, ông Giang đã có nguồn thu ổn định nhờ bán lươn giống và lươn thương phẩm. Ông Giang cho biết, nuôi lươn không giá thể giúp bể nuôi dễ vệ sinh, không phải rửa giá thể nên tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, nuôi lươn không giá thể còn giúp người nuôi kiểm soát hoàn toàn mầm bệnh, hạn chế động vật ký sinh trong môi trường, trên mang lươn. “Để tiện cho việc chăm sóc lươn, tôi còn áp dụng công nghệ chảy tràn để bể nuôi luôn sạch. Việc nước chảy tràn được thực hiện vào ban đêm, điều chỉnh lượng nước vào ra liên tục trong 12 giờ, tương đương khoảng 200% nước trong bể nuôi, ban ngày thay nước 100% sau mỗi lần cho ăn”, ông Giang nói.

Hiện tại, cơ sở có 50 bể nuôi lươn thịt, diện tích mỗi bể 5m2, được nuôi theo hình thức “cuốn chiếu”. Mỗi tháng thả nuôi 5 bể, mỗi bể thả trung bình 2.000 con lươn giống và sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Cùng với đó, 20 hồ nuôi lươn bố mẹ có diện tích 25m2 và 100 khay ấp trứng và ương lươn bột, trung bình khoảng 20 ngày thu trứng một lần. Mỗi năm, ông xuất bán gần 20 tấn lươn thương phẩm với giá bán tại trang trại từ 110-120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm. Trang trại còn cung ứng trung bình 400.000 con giống, với giá từ 3.500-4.000 đồng/con (tùy thời điểm) cho khách hàng trong tỉnh các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai... Ngoài ra, ông còn phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh thành lập Chi hội nuôi lươn với 15 thành viên và tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân.

Theo ngành nông nghiệp, mô hình nuôi lươn không bùn đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi rút ngắn được thời gian nuôi, giảm được chi phí mật độ thay nước và dịch bệnh phát sinh gây hại cho lươn. Việc mạnh dạn đổi mới tư duy - ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể xi măng hiện nay đã và đang là một hướng đi mới tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao thu nhập thu nhập cho bà con nông dân, tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.