Sụt giảm về đơn hàng và đứt gãy nguồn cung khiến các DN thủy sản đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí tình hình còn trầm trọng hơn cả giai đoạn dịch COVID-19.
Một số DN chế biến hải sản tính chuyện mở rộng địa bàn thu mua để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu. Trong ảnh: Công nhân sơ chế cá xuất khẩu ở Công ty Basefood (TP.Vũng Tàu). |
Thiếu cả đơn hàng lẫn nguồn cung
Bà Năm Cường, chủ cơ sở chế biến hải sản Năm Cường (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, chưa năm nào bà thấy khó khăn như năm nay, khi cả thị trường xuất khẩu lẫn nguồn cung nguyên liệu đều sụt giảm trầm trọng. “Thị trường Trung Quốc mua nhưng lâu thanh toán nên tôi bỏ. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc thì giảm mua. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của cơ sở giảm hơn 40-50% so với năm trước”, bà Năm Cường nói.
Tuy nhiên, điều làm bà Cường lo lắng nhất là nguồn cung trong nước đang giảm mạnh. Cơ sở bà chuyên thu mua cá trích của ngư dân Long Hải và các xã lân cận về sơ chế rồi xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay nguồn cá trích đánh bắt giảm mạnh, kể cả đang vào mùa như hiện nay thì nguồn cung chỉ bằng khoảng 60% so với năm trước.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) chia sẻ, trước đây, công ty thu mua được khoảng 20-25 tấn cá, tôm nguyên liệu trong 1 ngày nhưng nay chỉ đạt khoảng 50%. Thiếu nguyên liệu, công ty phải tăng giá thu mua lên 10-15%. Trong khi đó, giá xuất khẩu lại giảm khiến lợi nhuận kinh doanh của công ty giảm mạnh. 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Baseafood đạt khoảng 20 triệu USD, sản lượng 3.400 tấn, tương đương năm ngoái nhưng lợi nhuận lại giảm, chỉ đạt 30% trong khi thông thường là 50%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản cả nước sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỷ USD, giảm 28%. Các DN trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh COVID-19. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ lao dốc làm đơn hàng sụt giảm từ 20-50%, giá xuất khẩu cũng giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến có chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty Baseafood (TP.Vũng Tàu). |
Mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu
Điều quan tâm nhất hiện nay là một số thị trường truyền thống của thủy sản Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm mua, nhất là nhu cầu hải sản tươi sống. Trong đó, Hoa Kỳ giảm tới hơn 50%, Trung Quốc giảm 37%. So với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 đạt 11 tỷ USD, đến cuối quý II, trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh mục tiêu xuống còn 9 tỷ USD.
Để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu, một số DN chế biến hải sản tính chuyện mở rộng địa bàn thu mua. Chẳng hạn, cơ sở chế biến hải sản Năm Cường đang mở rộng địa bàn thu mua xuống miền Tây và ra tận miền Trung. Bên cạnh đó, cơ sở này còn ký hợp đồng mua bán lâu dài với giá tốt và thực hiện chính sách chăm lo cho ngư dân, hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Trong khi đó, Baseafood lại mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản, Đài Loan... Nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này giá cao nhưng chất lượng, công ty đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ cho người già, người bệnh, trẻ nhỏ, sau đó tái xuất khẩu lại cho các nước này.
“Với tình hình hiện nay, cơ cấu lại thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường... là những giải pháp hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản. Cùng với đẩy mạnh đàm phán trực tiếp để đa dạng hóa nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường thì giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng đang được nhiều DN thực hiện”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết.
Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 7 DN, 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản là khoảng 16.153ha. Sản lượng nuôi thương phẩm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm.
Với hơn 50 DN của tỉnh hoạt động xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh hằng năm đạt khoảng 342 triệu USD.
|
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH