Đi biển an toàn, hiệu quả nhờ công nghệ

Thứ Hai, 26/06/2023, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Trong bối cảnh ngư trường cạn kiệt, nhiều đội tàu đã mạnh dạn đầu tư máy móc kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả khai thác, giữ được an toàn khi hành nghề, hạn chế tối đa việc xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Quốc Cường (xã Phước Hưng, huyện Long Điền), thuyền trưởng tàu cá  BV 96999 TS kiểm tra các loại máy móc trước khi xuất bến.
Ông Nguyễn Quốc Cường (xã Phước Hưng, huyện Long Điền), thuyền trưởng tàu cá BV 96999 TS kiểm tra các loại máy móc trước khi xuất bến.

Sản lượng, lợi nhuận tăng

Tại TT.Long Hải, huyện Long Điền, đội tàu của gia đình ông Trương Minh Tuấn có 9 chiếc, trong đó 5 tàu đánh cá và 4 tàu vận tải, công suất từ 700-1.200CV. Các tàu ngoài trang bị điện tử hàng hải (máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc), hệ thống đèn màu và đèn LED dẫn dụ cá, các công đoạn đánh bắt đều được cơ giới hóa hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn kết hợp kỹ thuật dùng máy tầm ngư dò tìm đàn cá theo hình thức vây tự do. Nếu đàn cá không đủ lớn để vây bắt sẽ áp dụng mô hình vây kết hợp chà (điểm tập trung cá) và ánh sáng vào buổi tối. Nhờ áp dụng các công nghệ này, mỗi chuyến biển đạt sản lượng trên 10 tấn.

Tương tự, đội tàu 18 chiếc của HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) ngoài máy tầm ngư, ra đa, máy giám sát hành trình kiêm điện thoại vệ tinh còn trang bị máy kết đông lấy nước biển làm nước đá trực tiếp giúp bảo đảm chất lượng hải sản, đồng thời tiết kiệm một phần nhiên liệu. HTX cũng vừa đầu tư thêm 2 máy lọc nước biển thành nước ngọt sinh hoạt với trị giá hơn 160 triệu đồng phục vụ đoàn tàu, mang lại hiệu quả kinh tế 12 triệu đồng/chuyến biển.  

Tàu ông Nguyễn Quang Anh (TT.Long Hải, huyện Long Điền) ngoài những loại máy thông thường còn đầu tư máy tầm ngư trị giá 1,5 tỷ đồng, có thể chụp hình ảnh vùng biển, luồng cá trong bán kính hơn 1km. Trong ảnh: Bạn ghe vận chuyển nguyên liệu, máy móc xuống tàu ông Nguyễn Quang Anh trước chuyến đánh bắt xa bờ.
Tàu ông Nguyễn Quang Anh (TT.Long Hải, huyện Long Điền) ngoài những loại máy thông thường còn đầu tư máy tầm ngư trị giá 1,5 tỷ đồng, có thể chụp hình ảnh vùng biển, luồng cá trong bán kính hơn 1km. Trong ảnh: Bạn ghe vận chuyển nguyên liệu, máy móc xuống tàu ông Nguyễn Quang Anh trước chuyến đánh bắt xa bờ.

Chuyển giao công nghệ cao cho tàu cá

Sở KH-CN cho biết, ngày càng có nhiều tàu cá chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao để tăng hiệu quả khai thác. Sở KH-CN cũng đã tích cực phối hợp với Sở NN-PTNT và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác hải sản.

Đối với lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ bằng nghề lưới vây, lưới rê, hiện đã ứng dụng các công nghệ thiết bị hỗ trợ việc dò tìm, đánh giá đàn cá và bảo đảm an toàn cho người, tàu cá khi hoạt động trên biển như: radar Furuno, Koden (tầm quét từ 32 đến 72 hải lý); máy dò ngang; định vị hải đồ màu; máy phân tích môi trường (cho nghề câu cá ngừ đại dương), máy đo dòng chảy, phao vô tuyến, điện thoại vệ tinh…

Các tàu đóng mới (vỏ sắt, composite) đều trang bị thiết bị cấp đông (-180C đến -700C) để bảo quản, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Hiện khoảng 60% số tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh được đầu tư ứng dụng công nghệ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu inox và polyurethane (PU), nhất là các tàu cá hậu cần, mang lại hiệu quả tốt.

Hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều đầu tư hầm lạnh composite để tăng chất lượng sản phẩm.
Hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều đầu tư hầm lạnh composite để tăng chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, công nghệ sử dụng đèn LED dẫn dụ đàn cá đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao. Hiệu quả mô hình khá rõ ở việc tiết kiệm nhiên liệu đến 70% so với sử dụng đèn cao áp hay bóng siu và sản lượng khai thác cũng có mức tăng.

Từ năm 2020 đến nay, Sở KH-CN đã tổ chức thành công 3 cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Nhiều giải pháp của cuộc thi đã được ứng dụng hiệu quả vào hoạt động khai thác hải sản của tỉnh như: dự án máy lọc nước biển thành nước ngọt; ứng dụng hệ thống mini bù nhiệt cho hầm chứa đá ướp lạnh thủy sản; thiết bị xử lý dầu diesel áp dụng cho tàu cá.

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp KH-CN cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khai thác hải sản. Đồng thời, triển khai các chương trình hợp tác quốc tế về KH-CN, trong đó tập trung công tác quản lý nghề cá trên biển, chống đánh bắt bất hợp pháp, hủy diệt nguồn lợi. Đặc biệt, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến cho đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Theo Sở KH-CN, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN trong khai thác thủy hải sản đang có bước chuyển biến tích cực khi số lượng tàu thuyền ứng dụng ngày càng tăng. Các loại máy được sử dụng như máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc (5.506 tàu), máy đo độ sâu (5.506 tàu), máy dò đàn cá (3.626 tàu); 338 tàu trang bị máy đo độ sâu, máy dò cá (tầm ngư) kết hợp hệ thống đèn màu, đèn ngầm, đèn LED dẫn dụ cá; 820 tàu trang bị cơ giới hóa (máy tời thu lưới).


Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

;
.