CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ HỘI MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP KHU VỰC MIỀN NAM LẦN THỨ XVI-NĂM 2023 TẠI TP. VŨNG TÀU

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Năm, 29/06/2023, 19:29 [GMT+7]
In bài này
.

Đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường (BVMT), nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác BVMT ở từng địa phương… Đó là sứ mệnh của Hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp (MTĐT và KCN) khu vực miền Nam.

Hội nghị BCH Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam lần thứ XV-2022 tại Đà Lạt thống nhất tổ chức hội nghị lần thứ XVI-2023 tại TP.Vũng Tàu.
Hội nghị BCH Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam lần thứ XV-2022 tại Đà Lạt thống nhất tổ chức hội nghị lần thứ XVI-2023 tại TP.Vũng Tàu.

Tổ chức và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải

Những năm qua, công tác MTĐT và KCN đã có nhiều phát triển, ứng dụng khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, thêm nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dùng hiện đại, từng bước làm cho môi trường trở nên được tốt hơn. Để có được kết quả đó, 5 năm qua (2018-2023), các Chi hội thuộc Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với BVMT. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với công tác BVMT ở từng địa phương.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp Hội MTĐT và KCN Việt Nam, Chủ tịch Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam, trong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường nói chung có xu hướng gia tăng, nhất là trong các đô thị, KCN, tình trạng rác thải, nước thải chưa được xử lý thải ra môi trường đang trở thành mối nguy cơ lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Thực tế việc quản lý và xử lý rác thải ở từng chi hội đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Phân loại rác từ đầu nguồn thực sự còn khó khăn và chưa mang lại hiệu quả đối với nhiều chi hội.

Ngoại trừ chất thải nguy hại và chất thải y tế được xử lý bằng công nghệ lò đốt hiện đại. Đến nay việc xử lý chất thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện chỉ có 2 đơn vị là Nhà máy rác Thiên Ý (TP.Hà Nội) và Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB (TP. Cần Thơ).

Thời gian đầu thành lập, hoạt động của Hiệp hội nói chung và Hội khu vực miền Nam nói riêng chủ yếu tập trung vào công tác thu gom, vận chuyển rác đến nơi xử lý là các bãi chôn lấp. Tuy nhiên, nhiều bãi tự nhiên không được quy hoạch, gần khu dân cư, không hợp vệ sinh do không được xử lý chôn lấp theo quy định, phương tiện lao động khi đó còn thô sơ, lao động nặng nhọc, năng suất lao động không cao.

Từ những khó khăn nêu trên, Hội MTĐT và KCN khu vực miền Nam đã tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn quy trình công nghệ thu gom vận chuyển, quy trình công nghệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Từ đó đã thúc đẩy hoạt động thu gom, xử lý rác thải của DN tại các địa phương dần đi vào hiệu quả, nề nếp.

Hội nghị BCH Hội Môi Trường đổi thị và Khu công nghiệp khu vực miền nam năm 2022 tại Đà Lạt.
Hội nghị BCH Hội Môi Trường đổi thị và Khu công nghiệp khu vực miền nam năm 2022 tại Đà Lạt.

Đổi mới công nghệ, đầu tư chuyên ngành

Từ sau hội nghị tại TP.Cà Mau, các chi hội đã chủ động trong việc thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Nam như đầu tư xe quét hút, xe tưới rửa đường, xe hút bùn… Đồng thời, phát triển và khai thác hết công suất các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, các bãi chôn lấp, xử lý rác và tái chế chất thải theo công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, các chi hội còn đầu tư xây dựng lò đốt rác công nghiệp độc hại, rác y tế… với công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

Đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa dữ liệu trong công tác tổ chức, quản lý vệ sinh môi trường tại một số chi hội đã góp phần đổi mới, tạo khả năng cạnh tranh, kịp thời chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động BVMT.

Nhiệm kỳ 2018-2023 Hội đã phối hợp tổ chức các đoàn công tác là thành viên các chi hội tham quan học tập các tập đoàn chuyên sản xuất, cung cấp thiết bị môi trường, nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…

Ngoài việc đầu tư cho chuyên môn, Hội cũng phát động nhiều hoạt động liên quan đến người lao động, kịp thời động viên giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn để người lao động nâng cao cuộc sống tinh thần yêu nghề, gắn bó với nghề, với đơn vị DN. Điển hình như: Phong trào thi đua giải thưởng “Cây chổi vàng”; phong trào thể dục thể thao, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tham quan, du lịch cho người lao động…

Năm 2023, Hội xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các Chi hội tiếp tục nắm giữ vị trí, vai trò chủ lực trong công tác phục vụ vệ sinh đô thị tại các địa phương và bảo vệ lợi ích của người lao động. Song song đó, Hội sẽ thực hiện chuyển đổi số phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến trong tổ chức, quản lý công tác BVMT trong Hội Khu vực Miền Nam. Đồng thời, liên kết các Chi hội trong khu vực để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn đặc thù về cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư từ ngân sách, từ các thành phần kinh tế khác cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại…

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội MTĐT và KCN khu vực Miền Nam đã kết nạp thêm 10 hội viên mới. Như vậy, tính đến nay Hội quy tụ được sự tham gia của 84 hội viên là các DN thuộc nhiều thành phần kinh tế tại hầu khắp các địa phương khu vực phía Nam.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.