Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng “kiềng ba chân” (sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm) nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên, phát triển bền vững.
Nghề nuôi thủy sản lồng bè phát triển mạnh ở khu vực sông Chà Và, sông Rạng, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. |
Chưa phát huy hết tiềm năng
Với bờ biển dài 312km, diện tích vùng biển quản lý khoảng 297.000km2, có các hệ sinh thái quan trọng như: cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển và san hô, Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh còn khiêm tốn khi tổng diện tích nuôi chỉ hơn 257ha. Trong đó, nuôi ngọc trai tại Côn Đảo 100ha, còn lại là nuôi lồng bè trên sông 157ha.
Đơn cử, tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ổn định trật tự cũng như chính sách liên kết để phát triển nghề nuôi hàu nói riêng và các loài thủy sản nói chung theo hướng bền vững, thương mại hóa, giá trị gia tăng cao. Thế nhưng, việc nuôi trồng thủy sản ở xã đảo còn mang tính tự phát, thiếu bền vững, chưa có sự liên kết chặt chẽ, rõ ràng giữa du lịch với ẩm thực và hướng đến xuất khẩu.
Nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). |
Theo ông Nguyễn Quý Trọng Bình, Giám đốc HTX Thủy sản Như Ý Long Sơn (TP.Vũng Tàu), trên sông Chà Và, sông Dinh, sông Rạng ở xã Long Sơn có khoảng hơn 300 cơ sở nuôi với hơn 13.690 lồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, trong đó phần nhiều là nuôi hàu. Sản lượng các loài khoảng 15.000 - 20.000 tấn/năm. “Kết quả này còn khiêm tốn so với tiềm năng hiện có”, ông Bình nhận định.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, điều kiện hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển nuôi lồng bè trên biển chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới (lồng HDPE) chưa được người dân quan tâm đầu tư. Kết cấu công trình lồng bè nuôi còn thô sơ, chưa đáp ứng khả năng chịu đựng sóng to, gió lớn. Đồng thời, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nuôi lồng bè chưa được quan tâm đúng mức.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi
Bà Phạm Thị Na cho biết thêm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1073/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 phê duyệt “Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích mặt nước nuôi biển trên địa bàn tỉnh khoảng 150ha, đến năm 2030 diện tích khoảng 200ha. Dự kiến địa điểm phát triển nuôi tại huyện Côn Đảo, các vùng biển thuộc các huyện, thành phố ven biển (Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Đất Đỏ…)
Để đạt mục tiêu đề ra về nuôi trồng thủy sản trên biển và giá trị xuất khẩu, theo Sở NN-PTNT, tỉnh hướng đến việc chú trọng liên kết chuỗi trong nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí “kiềng ba chân”: sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và an toàn thực phẩm. Cụ thể, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó DN thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân.
“Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình tổ tự quản, HTX nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng kết hợp giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển”, bà Na nhấn mạnh.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Tỉnh cũng giao Sở NN-PTNT với vai trò chủ đạo nghiên cứu các mô hình tập trung nuôi biển, giảm khai thác, đáp ứng với những mục tiêu đặt ra về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thủy hải sản.
(Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH