Để phát triển bền vững, các công trình xây dựng phải hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng và hạn chế việc sử dụng nguồn lực, tài nguyên của con người.
Khách du lịch nghỉ dưỡng tại Six Senses Côn Đảo. |
Công trình kiến trúc xanh còn khiêm tốn
Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội KTS tỉnh, kiến trúc xanh là cách sử dụng từ ngữ theo kiểu dân dã, còn về bình diện khái niệm khoa học thường được gọi là kiến trúc phát triển bền vững, kiến trúc sinh thái hoặc kiến trúc thân thiện với môi trường. Hiểu đơn giản, kiến trúc xanh là để chỉ một thiết kế mà nơi đó tạo ra môi trường sống khỏe mạnh, đồng thời hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm tiêu thụ năng lượng và hạn chế việc sử dụng nguồn lực, tài nguyên của con người.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng hơn 230 công trình, rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong 10 năm qua. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có thể kể đến một số công trình, dự án bảo đảm không gian xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm như: KDL Osaka Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc); chung cư Kim Tơ (huyện Long Điền), đặc biệt là dự án Six Senses Resort (huyện Côn Đảo)…
KTS Nguyễn Đức Lập nhận định, kiến trúc xanh hướng tới rất gần với những giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam như: sự hoà hợp với môi trường xung quanh, sự thoải mái cho người sử dụng, sử dụng vật liệu địa phương... Một trong những ví dụ tiêu biểu cho nhận định này là khu resort nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo. Công trình được giới chuyên gia đánh giá là một khu nghỉ dưỡng hoạt động với tỷ lệ cac-bon thải ra ở mức rất thấp. Theo đó, toàn bộ công trình xây dựng tại Six Senses đều có vật liệu hoàn thiện là gỗ, đá tự nhiên.
Ngoài ra, công trình này còn áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong ngành du lịch, luôn trung thành với những kỹ thuật đã được quốc tế công nhận để chứng tỏ cam kết bảo vệ môi trường của mình.
Cần thiết để phát triển bền vững
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, lựa chọn con đường phát triển xanh bền vững, sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên có hiệu quả, tạo môi trường sống hài hòa với thiên nhiên là nhu cầu cấp bách và cần thiết.
Khoảng 10 năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu lựa chọn phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua các chủ trương: lựa chọn những nhà thầu có công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường, sử dụng ít năng lượng. Ngoài ra, tỉnh cũng có những quy định về việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng gạch không nung, tích cực đầu tư hệ thống công viên cây xanh đô thị…
Để khuyến khích các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng ứng công nghệ xanh và tự động hóa trong xây dựng công trình, Bộ Xây dựng đang tiếp tục hoàn thiện hàng lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình xây dựng.
KTS Nguyễn Đức Lập cho rằng, hiện nay kiến trúc xanh thực sự cần thiết trong việc phát triển đô thị lâu dài bền vững. Bà Rịa-Vũng Tàu là một đô thị biển, đô thị du lịch thì kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu mà địa phương đang quan tâm quy hoạch và phát triển. Bởi khách du lịch ngày càng có nhu cầu cao được trải nghiệm không gian xanh của các khu du lịch, resort. Do đó, nếu phát triển KTX sẽ tạo thành những điểm nhấn cho Bà Rịa-Vũng Tàu. “Hiện nay, Khu Tây Nam, Bắc Vũng Tàu, Long Sơn… là những khu đô thị mới mà Bà Rịa-Vũng Tàu đang quy hoạch thành đô thị xanh theo hướng kiến trúc bền vững”, ông Lập nói.
Tin, ảnh: QUANG VŨ