Kỳ 1: Xoay sở giữ chân bạn ghe
Trước mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt, nhiều chủ tàu chạy đôn chạy đáo kiếm bạn ghe nhưng vẫn không đủ.
Lao động phân loại cá khi tàu cập bến tại Cảng Hưng Thái (xã Phước Hưng, huyện Long Điền). |
Chuyến biển nào cũng thiếu
Ông Nguyễn Văn Thuyết (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) có 3 tàu đánh bắt xa bờ. Trong đó, 2 tàu nhỏ công suất gần 400CV cần 8-9 bạn/tàu và 1 tàu lớn 715CV cần 14-15 bạn. Tuy nhiên, từ năm 2022, sau dịch COVID-19 đến nay, ông thường xuyên không tìm đủ bạn ghe để đi biển. Lúc thiếu 1-2 người thì ông vẫn cho tàu ra khơi, sau đó tìm được người, gửi tàu vận tải hoặc tàu cá khác ra sau. Nhưng có chuyến thiếu nhiều, ông phải cho tàu nằm bờ thêm một tuần hay nửa tháng đợi đến khi đủ bạn ghe mới xuất bến.
“Trước dịch COVID-19 còn dễ tìm bạn ghe nhưng từ sau dịch đến nay, đội ngũ lao động từ các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa vắng bóng nên chúng tôi hụt nguồn”, ông Thuyết chia sẻ.
Theo Chi cục Thủy sản, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã giảm 20%, từ 5.812 chiếc với khoảng 33.000 lao động (năm 2020) xuống còn 4.671 chiếc. Số lượng lao động tương ứng cũng giảm theo. Lao động phục vụ cho việc đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 10% là người địa phương, còn lại đến từ các tỉnh khác. Phần lớn họ làm thời vụ, không có sự ràng buộc nên các lao động ở lĩnh vực này thiếu sự gắn bó với chủ tàu và hay bỏ việc, nhảy việc khi chủ tàu khác trả lương cao hơn. |
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Nhất (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 5 cặp tàu lưới kéo đôi đánh bắt vùng khơi, nhưng từ năm ngoái đến nay không tìm đủ lao động đi biển nên ông đã cho 2 cặp tàu nằm bờ. “Lao động chê thu nhập đi biển ngày càng giảm, công việc lại nặng, toàn làm đêm khuya nên họ bỏ nghề đi làm công nhân hay thợ hồ. Do đó, chuyến biển nào tôi cũng không thể kiếm đủ 15 bạn/cặp tàu để ra khơi, phải chạy vạy khắp nơi rất khổ sở”, ông Nhất nói.
Một số bạn ghe khác sau thời gian đi làm thuê, tích góp vốn đã sắm thuyền thúng hay ghe nhỏ để đi đánh bắt gần bờ như trường hợp anh Nguyễn Thanh Sơn (KP.Hải Sơn, TT.Long Hải, huyện Long Điền). “Đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày, mỗi ngày tôi cũng kiếm được khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Làm như này tôi thấy tự do, lại có thời gian chăm sóc gia đình, chứ trước đây có chuyến đi biển kéo dài 3 tháng mới về nhà, rất cực khổ”, anh Sơn bày tỏ.
Ngư dân vận chuyển cá lên bờ tại Cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ). |
Tìm đủ cách giữ chân bạn ghe
Do lao động khan hiếm, hầu như chủ tàu nào cũng phải ứng trước lương hoặc tìm giải pháp ưu đãi giữ chân bạn ghe. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến rủi ro dễ bị bạn ghe quỵt tiền hoặc trốn nợ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (chủ tàu cá ở KP.Hải Điền, TT.Long Hải) kể, từ đầu năm đến nay gia đình ông đã bị 4 thuyền viên quỵt tiền lương ứng trước, trốn mất không lên tàu đi biển như đã hứa, tổng cộng mất hơn 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thuyết cũng mất hơn 100 triệu đồng cho bạn ghe “mượn” lương nhưng không đi biển.
“Chuyến biển nào tôi cũng bị 1-2 bạn ghe quỵt lương. Mặc dù biết rủi ro cao nhưng chúng tôi không còn cách nào khác. Bởi, tôi vay tiền đóng tàu, không có bạn đi đánh bắt sẽ không có thu nhập trả nợ ngân hàng”, ông Thuyết nói.
Một số tàu cá giữ chân bạn ghe bằng cách chia hoa hồng theo sản lượng đánh bắt. Tuy nhiên, ngư trường ngày càng cạn kiệt, mà chi phí đầu vào đi biển ngày một tăng cao, nhiều chuyến thua lỗ, không đủ trang trải chi phí. Từ đó, khoản chia cho bạn ghe cũng giảm đi, lao động không đồng ý cách chi trả này, yêu cầu trả lương cố định hằng tháng. Ông Huỳnh Tấn Nhất cho biết, hằng tháng, ông phải trả lương 13-14 triệu đồng/người, dù chuyến biển đó tàu trúng hay lỗ.
“Trong 3 cặp tàu của tôi đi đánh bắt xa bờ năm nay, 1 cặp lỗ 1,7 tỷ đồng; 2 cặp tàu còn lại lỗ từ 300-500 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn phải trả đủ tiền công cho bạn ghe hơn 600 triệu đồng. Chủ tàu phải gánh hết, không dám giảm đồng lương nào của bạn ghe. Tôi cũng không biết mình còn bám biển được đến khi nào”, ông Nhất buồn bã nói.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH