Hợp tác, đoàn kết để đánh bắt an toàn, hiệu quả
Việc thành lập các tổ đoàn kết trên biển đã tạo động lực cho ngư dân có thêm sức mạnh vươn khơi bám biển dài ngày, đánh bắt hiệu quả và an toàn.
Huyện ủy Long Điền phối hợp cùng các cơ quan chức năng tuyên truyền pháp luật, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản xã Phước Tỉnh trong buổi Cà phê sáng cùng ngư dân cuối tuần qua. |
Hợp tác tăng lợi nhuận đánh bắt hải sản
Sau 5 năm xây dựng, TP.Vũng Tàu đã phát triển gần 100 Tổ ghe tàu an toàn. Ông Võ Hòa, thuyền trưởng tàu cá BV 7273-TS (phường 2, TP.Vũng Tàu) cho biết, sau khi gia nhập Tổ hợp tác, các thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm đi biển hiệu quả, thông báo cho nhau những nơi có luồng cá lớn, giúp cho công việc đánh bắt trên biển khá hơn trước kia.
Tổ cũng thành lập 2 tàu vận tải, cách 5-7 ngày vận chuyển cá các tàu trong tổ đánh bắt được vào bờ. Cá tươi ngon nên bán được giá hơn. Sau đó, tàu lại vận chuyển thêm nhiên liệu, thức ăn từ bờ ra tiếp tế, giúp các tàu có thể bám biển dài ngày hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào. “Cách thức hợp tác này vừa giúp giảm được thời gian di chuyển, giảm lượng dầu tiêu hao đến cả 1.000 lít/tàu/chuyến biển, lại tăng cường bám biển cho đội tàu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác, tăng lợi nhuận từ 10-15%”, ông Hòa thông tin.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản đánh giá, ngư dân khi tham gia tổ hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất trên biển đã hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, thông tin ngư trường, chuyển tải sản phẩm từ tàu về bờ, tăng cường thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đánh bắt. “Cách đây khoảng 2 tuần, một tàu cá của ngư dân huyện Long Điền đã phát hiện 1 luồng cá nục khá lớn đã thông báo cho Tổ đoàn kết của mình cùng đến khai thác, đánh bắt được hơn 100 tấn cá nục”, ông Lê Tòng Văn dẫn chứng.
Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh đã thành lập được 346 Tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.453 tàu cá và hơn 2.200 thành viên; trong đó, có 3 HTX và 1 nghiệp đoàn khai thác cá cơm. Hình thức hợp tác khai thác trên biển được hình thành chủ yếu là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương cư trú, hoặc cùng dòng họ và người thân trong gia đình tự thỏa thuận, hợp tác, liên kết khai thác, vận chuyển sản phẩm, cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có sự cố. |
Nâng cao trách nhiệm với cộng đồng
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết, toàn xã hiện có 88 Tổ đoàn kết đánh bắt hải sản. Các tổ đoàn kết này ngoài việc giúp nhau đánh bắt hải sản còn giúp đỡ nhau khi có rủi ro tai nạn; nhắc nhở nhau không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài. “Tổ đoàn kết còn cung cấp thông tin ngư trường, giá cả hải sản trong bờ, cùng nhiều thông tin có giá trị về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và cứu hộ cứu nạn trên biển, giúp ngành chức năng xử lý sự cố trên biển rất kịp thời hiệu quả”, ông Thạch cho biết.
Ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ nhau trong đánh bắt hải sản, các tổ hợp tác, đoàn kết đánh bắt xa bờ còn giúp các tàu cá hỗ trợ nhau trong công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia, khu đặc quyền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Chủ đội tàu đoàn kết ấp Phước Hiệp (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), Bí thư kiêm Trưởng ban điều hành ấp chia sẻ, trong gần 20 năm thành lập Tổ đoàn kết, trong những lần vươn khơi đánh bắt xa bờ, đội tàu ông Nhỏ đã cung cấp nhiều thông tin cho các cơ quan chức năng như: Bộ đội Hải quân, Biên phòng, Chi cục Thủy sản về trường hợp tàu nước ngoài có biểu hiện bất thường ở khu vực giáp ranh... “Tôi đã đăng ký cho đội tàu Tổ đoàn kết của mình thực hiện Nghị định 30/2017 tham mưu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nhỏ cho biết.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH-LỆ THỦY