Doanh nghiệp chủ động ứng phó khi giá điện tăng

Thứ Hai, 22/05/2023, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động triển khai các giải pháp sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm để không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Các DN trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó linh hoạt khi giá điện tăng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Việt An (TX. Phú Mỹ) trong giờ làm việc.
Các DN trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó linh hoạt khi giá điện tăng. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Quốc tế Việt An (TX. Phú Mỹ) trong giờ làm việc.

Nhiều giải pháp tiết kiệm điện

Mỗi tháng, Công ty CP Hùng Vinh, chuyên sản xuất nhôm, kính tại TP. Vũng Tàu  tiêu thụ điện tương đương với số tiền 300 triệu đồng. Ông Đỗ Viết Hùng, Giám đốc công ty cho biết, khi giá điện được điều chỉnh tăng, tiền điện hàng tháng của công ty cũng tăng theo. Do đó, để tiết giảm chi phí, công ty đã chủ động kiểm soát bộ máy hoạt động. Trong đó, công ty ưu tiên mua sắm, sử dụng trang thiết bị, máy móc nhãn hiệu xanh, có mức tiêu hao năng lượng thấp nhưng mang lại hiệu suất cao. Đồng thời thay đổi thời gian làm việc vào giờ thấp điểm. Hệ thống nhà xưởng cũng được thiết kế theo phương pháp tận dụng nguồn sáng và thông gió tự nhiên tối ưu…

Nhờ ứng dụng các giải pháp tiết kiệm điện nên khi giá điện tăng cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Thực chất không phải khi giá điện tăng chúng tôi mới triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, mà đây là một trong những định hướng lâu dài trong sản xuất và được DN thực hiện thời gian qua”, ông Hùng cho hay.

Công ty CP Minh An chuyên cung cấp các dịch vụ thể thao ở TP. Vũng Tàu có 5 sân bóng đá mini và 2 sân tennis cho thuê theo giờ. Hoạt động chủ yếu vào chiều và tối nên công ty phải sử dụng nguồn điện thắp sáng phục vụ cho các sân luyện tập thể thao, với tiền điện hàng tháng bình quân khoảng 10 triệu đồng. Với sự tư vấn của ngành điện, công ty đã thay thế toàn bộ bóng đèn led tiết kiệm điện tại 2 sân tennis và đang cho thay thế dần hệ thống đèn cũ sang đèn led tiết kiệm điện ở 5 sân bóng đá mini. Ứng dụng các giải pháp này đã giúp công ty đã tiết kiệm bình quân 2 triệu đồng tiền điện hàng tháng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Quốc tế Việt An (TX. Phú Mỹ) chuyên về may mặc xuất khẩu cho biết, hầu hết các khâu sản xuất đều sử dụng điện. Giá điện điều chỉnh tăng, công ty đã xây dựng phương án tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm. Ngoài ra, DN này cũng chủ động lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Các giải pháp này đã tiết kiệm được khoảng 80% chi phí điện sản xuất so với trước đây.

Nhiều DN lo ngại tình trạng
Nhiều DN lo ngại tình trạng "tát nước theo mưa" sau khi giá điện tăng. Trong ảnh: Gia công thép tại Công ty CP kết cấu thép Minh Trị (TX. Phú Mỹ).

Lo ngại chi phí đầu vào tăng

Theo các DN, điện được dùng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế. Do đó, điều khiến DN lo lắng hơn là việc tăng giá điện tạo hiệu ứng tăng giá của hầu hết các mặt hàng nguyên liệu khác. Điều này sẽ khiến cho chí phí đầu vào cao, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ. Nếu cơ quan quản lý không kiểm soát tốt thị trường sẽ xảy ra hiện tượng “té nước theo mưa”. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế và các DN cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành các giải pháp khác như giảm lãi suất vốn vay, thuế, phí,… để hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tiết giảm chi phí để thích ứng với bối cảnh mới.

Theo Sở Công thương, giá điện tăng ảnh hưởng ít nhiều tới chi phí đầu vào của DN. Để chủ động sản xuất, các DN cần nhanh chóng ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện. Trong đó, việc đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại là một trong những giải pháp được ngành công thương khuyến khích. Qua đó góp phần giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ngành công thương cũng đang phối hợp với ngành điện để tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ DN thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện an toàn, hiệu quả.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.