Bà Rịa-Vũng Tàu đang phấn đấu trở thành trung tâm điện khí quốc gia. Đây không chỉ là nền tảng phát huy thế mạnh về công nghiệp, cảng biển, tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng với Công ty TNHH BOT Phú Mỹ 3, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã đưa Phú Mỹ trở thành trung tâm điện lực lớn nhất cả nước. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 4 của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ. |
40% tổng công suất điện năng cả nước
Từ một nhà máy vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành 2 tổ máy tuabin khí chu trình đơn, với tổng công suất 288 MW năm 1997, đến nay, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã quản lý vận hành 4 cụm nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp với 13 tổ máy phát điện.
Ông Dương Thanh Dũng, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ cho biết, hằng năm, các nhà máy điện Phú Mỹ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 16 tỷ kWh, chiếm 18% sản lượng điện phía Nam và hơn 6% sản lượng điện toàn hệ thống, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong khi đó, thành lập năm 1992, đến nay, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa đang quản lý vận hành 8 tổ máy tuabin khí và 2 tổ máy tuabin hơi. Mỗi năm, công ty cung cấp cho hệ thống điện 1,4 tỷ kWh, góp phần bảo đảm cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Còn Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 hằng năm cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia khoảng 5 tỷ kWh, tương đương với gần 5% nhu cầu điện của cả nước. Như vậy, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành trung tâm điện năng lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước. Tới đây, khi dự án Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn được xây dựng sẽ bổ sung thêm 21 tỷ kWh điện/năm cho hệ thống điện quốc gia và nộp ngân sách khoảng 4.130 tỷ đồng/năm
Công ty TNHH Hải Linh đang triển khai dự án kho tiếp nhận khí thiên nhiên hóa lỏng và tái hóa khí thiên nhiên Hải Linh - Vũng Tàu giai đoạn 1. Trong ảnh: Cầu cảng tiếp nhận khí của Công ty TNHH Hải Linh tại KCN Cái Mép (TX. Phú Mỹ). |
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Bên cạnh điện năng, nguồn khí cũng tạo nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển và nâng cao vị thế công nghiệp của tỉnh. Điển hình như Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT), đơn vị thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, vận hành các công trình khí, chế biến khí và các sản phẩm khí.
Ông Hồ Diên Vượng, Phó Giám đốc công ty cho biết, KVT đang quản lý và vận hành nhà máy xử lý khí Dinh Cố, Kho cảng PVGAS Vũng Tàu, Trạm nạp Thị Vải và kho LPG Gò Dầu. Sản phẩm của KVT cung cấp gồm khí khô thương phẩm, khí hóa lỏng LPG, condensate - nguồn nguyên, nhiên liệu cung cấp và tạo ra sức hút cho các ngành công nghiệp sử dụng khí để phát triển như điện, xăng dầu, hóa chất, phân bón.
“Các sản phẩm của Công ty Chế biến khí Vũng Tàu đã góp phần rất lớn trong việc ổn định thị trường, an ninh năng lượng quốc gia”, ông Vượng cho hay.
Trung tâm điều hành của Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ). |
Ngoài ra, PVGAS cũng đang tiếp tục triển khai dự án LNG Thị Vải, với sức chứa 180.000m3, công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm. Đây là dự án trọng điểm của ngành dầu khí Việt Nam được thi công và thiết kế theo công nghệ tiến tiến trên thế giới lần đầu tiên áp dụng cho bồn LNG tại Việt Nam. Dự án sau khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận tàu vận chuyển LNG trọng tải lên đến 85.000 tấn. Đồng thời, bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí và cấp cho các khách hàng tiêu thụ như nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.
Theo Sở Công thương, ngoài lợi thế về cảng biển, hạ tầng giao thông, nguồn điện và khí ổn định, khả năng đáp ứng cao đã trở thành thế mạnh để tỉnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, thời gian qua, nhiều dự án quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đã đầu tư tại tỉnh như Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Hyosung Vina, các dự án sản xuất thép…
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC