.

Bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc

Cập nhật: 19:54, 10/05/2023 (GMT+7)

Thông tin trên được nêu ra tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2023 và các tháng tiếp theo, diễn ra chiều 10/5. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ chủ trì cuộc họp.

Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 4 tăng 11,61% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy đạm Phú Mỹ trong giờ làm việc.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 4 tăng 11,61% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy đạm Phú Mỹ trong giờ làm việc.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng cao

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thụy Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tháng 4/2023, tình hình kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn so với 3 tháng đầu năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 11,61% so với cùng kỳ (quý I tăng 4,32%). Trong các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức tăng trưởng, trong đó 17 sản phẩm tăng trưởng mạnh, tăng trên 10%. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,05%, ngư nghiệp tăng 3,16%, lâm nghiệp tăng 1,04%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá cũng đạt mức tăng trưởng cao hơn so với các tháng đầu năm, đạt 5.301 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 13,84%). Trong các nhóm hàng hoá tiêu thụ tháng 4, tăng cao nhất là xăng, dầu các loại tăng 33,11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 19,80%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 24,28%...

Dịch vụ lưu trú tiếp tục thuộc nhóm ngành tăng trưởng tốt với mức tăng tăng 20,43% so với cùng kỳ (quý I tăng 16,15%). Tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 346.715 lượt, tăng 20,31%. Riêng khách quốc tế lưu trú đạt 67.932 lượt, tăng 44,57% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 196,27%. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 5,46%.

Các lĩnh vực văn hóa thể thao, y tế, giáo dục, KH-CN, thông tin truyền thông... đều triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch theo lộ trình. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều cải thiện...

NẮM CHẮC TỪNG ĐẦU VIỆC ĐỂ GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đánh giá, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công việc theo lộ trình, kế hoạch năm 2023 và đạt được những mặt khả quan. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, cần quyết liệt tìm ra những giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các sở, ngành, địa phương phải chủ động xử lý công việc, nắm chắc từng đầu việc để giải quyết dứt điểm việc nào xong việc đó.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các các sở, ngành, địa phương xây dựng đội ngũ người lao động, cán bộ công chức, viên chức biết việc và có tâm huyến với công việc.

Vẫn còn nhiều khó khăn 

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu kinh tế tăng thấp. Đáng chú ý số thu ngân sách giảm sâu. Tháng 4, tổng thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 7.290 tỷ đồng, đạt 8,23% dự toán, giảm gần 31% so cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng số thu khoảng 29.896 tỷ đồng, đạt 33,75% dự toán, giảm 20,86% so cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nội địa giảm 21,34%.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết, trong 4 tháng đầu năm, thu ngân sách địa phương này chỉ đạt 22%, trong đó một số khoản thu đạt thấp là thuế thu nhập cá nhân, thuế thu từ đất, môi trường…. Tương tự, tại huyện Đất Đỏ, bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện cũng thông tin, thu ngân sách tại huyện mới đạt 20% trong 4 tháng qua.

Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân của việc thu nội địa giảm là do thu thuế giá trị gia tăng của khu vực đầu tư nước ngoài đạt thấp. Một số DN có mức nộp ngân sách trong quý I thấp hơn cùng kỳ. Số thu từ khí thiên nhiên từ Lô 06.1 không phát sinh số nộp ngân sách trong 4 tháng năm 2023 (cùng kỳ năm 2022 hoạt động này phát sinh số nộp ngân sách là 497,7 tỷ đồng); số thu từ khí thiên nhiên lô 04-3 nộp 35,6 tỷ đồng (cùng kỳ nộp 186,3 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản không sôi động như cùng kỳ năm 2022.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong tháng 5 và các tháng tiếp theo, tỉnh triển khai thực hiện các kiến nghị, giải pháp tại Hội thảo “Phát triển Công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Hoàn chỉnh và ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện dự thảo quy chế, bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư cụm công nghiệp Phước Tân; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy trình, thủ tục đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp. Hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa

Đối với hoạt động thu ngân sách, tỉnh tiếp tục theo dõi, rà soát các DN hoạt động vãng lai trên địa bàn; các DN có quy mô hoạt động lớn, lợi nhuận cao nhưng đóng thuế ít trên địa bàn tỉnh; các DN nhà thầu ngoài tỉnh có tham gia thi công các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh; và các DN nhà thầu ngoài tỉnh có tham gia thi công các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh (DN vãng lai) để chống thất thu thuế.

4 tháng đầu năm, 8/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính có mức tăng trưởng so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng trưởng của cả năm 2023 theo Nghị quyết HĐND tỉnh, gồm: tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 14,18% (Nghị quyết 11,31%); doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 17,24% (Nghị quyết 11,16%); doanh thu dịch vụ lữ hành tăng hơn 154 % (Nghị quyết 12,83%); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,04% (Nghị quyết 4,02%); giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 3,20% (Nghị quyết 3,18%); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,05% (Nghị quyết 1,05%); tổng thu ngân sách 29.896 tỷ đồng, đạt 33,75% dự toán (Nghị quyết 88.591 tỷ đồng); tổng chi ngân sách tăng 31,2% (Nghị quyết 4,49%).
Ngoài ra, số DN đăng ký mới tăng 9,07%, với số vốn tăng 9,52%.
(Nguồn: Sở KH&ĐT)


Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.