TX. Phú Mỹ: Tăng giá trị cây rau màu
Cùng với bưởi da xanh, rau màu là một trong những cây trồng có lợi thế kinh tế của TX. Phú Mỹ. Vì vậy, địa phương này đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nhằm tăng thu nhập cho người trồng rau.
Chăm sóc rau an toàn tại hộ gia đình ông Trần Văn Chiến (tổ 8, thôn Tân Ro, xã Châu Pha). |
Nông dân chuyển hướng trồng rau an toàn
Gia đình ông Trần Văn Chiến (tổ 8, thôn Tân Ro, xã Châu Pha) đã gắn bó với cây rau gần 30 năm. Trước đây, từ khâu làm đất, gieo hạt, tưới nước chăm sóc đều làm theo phương pháp thủ công nên năng suất và hiệu quả không cao.
Từ năm 2012, ông Chiến đã chuyển đổi sang canh tác rau an toàn theo chuẩn VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tưới nước bằng hệ thống điều khiển… Với phương pháp này, việc canh tác rau thuận tiện hơn, giảm thiểu sức lao động, năng suất cao và thu nhập ổn định hơn.
Trên diện tích 3.000m2 trồng cải thìa, cải ngọt, cải xanh, hành, ngò, bình quân 1 năm ông canh tác được 8 vụ, cho sản lượng hơn 70 tấn rau. Với giá bán trung bình 5.000-7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 200 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng rau truyền thống trước đây.
Ông Trần Văn Chiến cho biết: “Việc áp dụng máy móc, thiết bị trong canh tác, trồng trọt nên cũng giảm được sức lao động, tăng năng suất. Nhờ cây rau mà cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, có điều kiện nuôi con cái ăn học”.
Ngoài hộ trồng rau an toàn, trên địa bàn TX. Phú Mỹ có khoảng 120 nhà màng trồng rau công nghệ cao sản xuất theo hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và Công ty TNHH MTV 4KFarm - TP.Vũng Tàu.
Từ tháng 6/2019, gia đình ông Lê Quang Nam (ấp Bàu Phượng, xã Châu Pha) đã ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV 4KFarm để trồng rau trong nhà màng trên diện tích 1.600m2.
Với hình thức liên kết này, ông được đội ngũ kỹ sư của công ty hướng dẫn kỹ thuật, giám sát, ghi nhật ký sản xuất hàng ngày với 4 tiêu chí: sản phẩm không sử dụng thuốc trừ sâu, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen.
Ông Lê Quang Nam cho biết: “So với trồng rau truyền thống, trồng rau trong nhà màng an toàn hơn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 15 triệu đồng/lứa/tháng, cao hơn từ 5-7 triệu đồng so với trồng rau truyền thống trước đây”.
Ông Lê Quang Nam (ấp Bàu Phượng, xã Châu Pha) vận chuyển rau trồng trong nhà màng sau thu hoạch lên xe của Công ty TNHH MTV 4KFarm. |
Phát triển các vùng chuyên canh
TX. Phú Mỹ có hơn 16.850ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm hơn 50% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có 3.173ha diện tích rau màu, tập trung chủ yếu ở các xã: Châu Pha, Sông Xoài và Tân Hải.
Hàng năm, sản lượng rau xanh các loại của TX.Phú Mỹ đạt gần 70 ngàn tấn, trong đó 80% rau xanh cung ứng cho các địa phương trong tỉnh, 20% còn lại cung ứng cho các thị trường tiêu thụ lớn như TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Nam…
Hiệu quả kinh tế từ trồng rau, màu các loại cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa và nhiều cây trồng khác, giúp thu nhập của người dân ổn định.
Phát huy lợi thế này, thời gian qua, TX. Phú Mỹ đã tập trung đẩy mạnh xây dựng và hình thành các vùng trồng rau màu canh tác theo hướng an toàn. Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ hợp tác, HTX trong việc trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Viết Tự, Giám đốc HTX sản xuất Nông nghiệp - Dịch vụ Châu Pha cho biết, với mong muốn phát triển bền vững nghề trồng rau sạch, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập nên HTX sản xuất Nông nghiệp - Dịch vụ Châu Pha đã ra đời vào tháng 6/2022, với 34 thành viên canh tác trên 15ha.
Bình quân 1 vụ rau, HTX sản xuất ra 450 tấn rau các loại. Sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với các trường học, DN, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Không chỉ đứng ra liên kết các thành viên, HTX còn thu mua, bao tiêu sản phẩm rau cho toàn bộ thành viên HTX và nhiều hộ trồng rau ở các vùng lân cận, với diện tích lên đến gần 50ha.
TX.Phú Mỹ được định hướng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, đầu mối giao thông cửa ngõ của tỉnh, vì vậy tốc độ đô thị hoá và chuyển dịch sử dụng đất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ. Để phù hợp với xu hướng phát triển chung và giữ vững vai trò hậu cần của ngành nông nghiệp, TX.Phú Mỹ đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.
Đó là đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị...
Bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX. Phú Mỹ cho biết: “TX. Phú Mỹ đã xây dựng đề án nông nghiệp đô thị, chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị; áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như xây dựng thương hiệu, chứng chỉ cho sản phẩm rau”.
Bài, ảnh: SONG BÌNH