Những tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng của nhiều DN liên tục giảm, chi phí đầu vào không ngừng tăng cao.
Tỉnh đang triển khai các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Trong ảnh: Đóng tàu tại Công ty Vard Vũng Tàu. |
Sản xuất cầm chừng
Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất của các DN khá ảm đạm. Trong đó, nhiều ngành chủ lực đơn hàng giảm, nhiều DN sản xuất cầm chừng để giữ chân lao động.
Ông Nguyễn Thế Kiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CS Wind Việt Nam (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) cho biết, hiện các công ty đang phải cạnh tranh rất lớn với các DN nước ngoài. Riêng mặt hàng tháp gió đang phải chịu sự cạnh tranh lớn từ các sản phẩm của thị trường Trung Quốc giá rất thấp, dẫn tới việc đơn hàng trong năm giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40% so với năm trước.
Cũng trong tình trạng khó khăn chung, ông Nguyễn Phước Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty may mặc Hikosen Cara (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết, những năm trước phía đối tác đã đặt lượng hàng lớn, khi dịch COVID-19 xảy ra lượng hàng tồn nhiều, dẫn tới đơn hàng năm nay bị giảm sút.
Những chỉ số thống kê cho thấy, trong quý I/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chỉ số công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) giảm 3,53%. Một số ngành như công nghiệp khai khoáng, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm mạnh từ mức trên 5-10%.
Theo Sở Công thương, nguyên nhân chủ yếu do bối cảnh nền kinh tế chung khó khăn, lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Các DN hoạt động sản xuất không đạt được như kỳ vọng do lượng hàng tồn kho nhiều, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, dẫn đến tiêu thụ có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn khi lượng đơn hàng bị sụt giảm. Trong ảnh: DN đóng tàu tại KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu. |
Tìm giải pháp vượt khó
Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, UBND tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Tỉnh cũng chủ động phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quỹ đất và các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, ưu tiên các dự án lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, sạch, tiết kiệm, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các DN của tỉnh. Đồng thời, đôn đốc các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong những tháng đầu năm, ngành công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn. Trong ảnh: Công nhân cơ khí tại KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) trong giờ làm việc. |
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, Sở đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu dùng nội địa, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến công địa phương năm 2023 để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Việc gặp gỡ, đối thoại với DN để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cũng đang được ngành công thương, thuế, hải quan tăng cường triển khai.
Tại Hội nghị lần thứ 15 BCH Đảng bộ tỉnh ngày 10/4, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phân tích, xây dựng kịch bản tăng trưởng, khắc phục các chỉ số đạt thấp, trong đó có giá trị sản xuất công nghiệp; tổ chức xúc tiến, kêu gọi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN. Đồng thời, sẽ tiến hành khảo sát, làm việc với các DN trong các KCN, CCN, dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Hyosung; DN ngành thép, chế tạo kim loại và 29 dự án công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa vào hoạt động. |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC