Gỡ khó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh
Ngày 18/4, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu để có giải pháp tháo gỡ kịp thờ.
Quý I/2023, đa số các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều giảm, trong đó xơ, sợi dệt sụt giảm mạnh nhất (giảm 92,42%). Trong ảnh: Công nhân sản xuất sợi tại Công ty TNHH HaoSang (TX.Phú Mỹ). |
Nhiều chỉ tiêu giảm mạnh
Theo báo cáo của Bộ Công thương, quý I/2023, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu tăng nhanh, tổng cầu thế giới giảm mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Trong 63 địa phương trên cả nước, 48 địa phương có IIP tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực DN trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%). Điều này cho thấy những khó khăn của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng chỉ rõ, nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2023 bị sụt giảm do giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa được nới lỏng, kinh tế thế giới phục hồi chậm khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá giảm. Bên cạnh đó, sức mua trong nước vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Các DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn; lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương rất chia sẻ khó khăn với các địa phương và sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình góp phần tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn đối với địa phương, các DN để bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khăn như hiện nay; lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. |
Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, báo cáo của Sở Công thương cho thấy, quý I/2023, chỉ số IIP của tỉnh kể cả dầu thô và khí đốt ước giảm 3,53% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 3/2023 ước đạt 471,1 triệu USD, giảm 19,8% so với tháng trước và giảm 30,6% so với cùng kỳ; lũy kế 3 tháng ước đạt 1,726 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ.
Theo Sở Công thương, DN xuất khẩu gặp khó khăn về đơn hàng (nhất là các DN may mặc, thép) do nhu cầu thế giới sụt giảm. Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraina, bất ổn nguồn cung xăng dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng khiến cho lạm phát tăng mạnh ở các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu nên người dân đã cắt giảm chi tiêu, nhất là các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, giày dép, đồ gỗ.... Do đó, đơn hàng của những mặt hàng này sụt giảm mạnh so với năm trước. Đa số các mặt hàng xuất khẩu đều giảm, trong đó xơ, sợi dệt sụt giảm mạnh nhất (giảm 92,4%); hàng dệt may giảm 33,7%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm giảm 35,2%; chất dẻo giảm 14,4%; sắt thép giảm 22,8%...
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở Công thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: Bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và DN lớn toàn cầu; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trưởng; đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.
Đặc biệt, với lĩnh vực xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế, Sở đang triển khai Chương trình hội nhập quốc tế; chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; triển khai đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Song song đó là các giải pháp về cải cách hành chính, bình ổn thị trường, xúc tiến thương mại…
Bài, ảnh: QUANG VŨ