Kỳ 1: Qua rồi thời "trăm người bán, vạn người mua"
Công nghệ phát triển, nhiều phương thức kinh doanh nở rộ trên không gian mạng, cùng sự xuất hiện của siêu thị, cửa hàng tiện lợi len lỏi vào khu dân cư khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu, ế ẩm. Giải pháp nào để duy trì chợ truyền thống trong bối cảnh hiện nay?
Dạo quanh các chợ truyền thống, từ thành thị đến nông thôn đều bắt gặp không khí mua bán đìu hiu, vắng khách. Nhiều tiểu thương buộc phải bỏ chợ vì thu không đủ bù chi phí.
Nhiều quầy sạp tại chợ Đất Đỏ bỏ trống. |
Chợ vắng khách
Tại chợ Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu), 10 giờ sáng, tiểu thương các gian hàng từ thời trang, gia dụng tới nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm… ngồi tán gẫu với nhau. Khách mua thưa thớt, thậm chí một số gian hàng quần áo, giày dép gần như không có khách.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, tiểu thương kinh doanh sạp vải cho biết, 20 năm buôn bán nhưng chưa bao giờ chợ ế như bây giờ. “Ngày xưa, có những buổi chợ 2-3 người phụ bán hàng vẫn không ngơi tay. Bây giờ, có bữa ra chợ nhưng cả ngày không có khách mở hàng, có quầy 2-3 ngày không có khách mua. Các quầy bán hàng khác cũng trong tình cảnh tương tự. Ngay cả những mặt hàng vốn là ưu thế của chợ, như thực phẩm tươi sống cũng lâm vào tình cảnh buôn bán cầm chừng. Chợ bây giờ, không còn cảnh “trăm người bán, vạn người mua” như trước, bà Mỹ chia sẻ.
Thông tin từ Ban Quản lý chợ Vũng Tàu cho biết, sức mua tại chợ ngày càng giảm sút. Lượng khách đến mua sắm tại chợ Vũng Tàu chỉ bằng 40% so với 5 năm trước. Trong khi đó, thống kê của Ban Quản lý chợ Bà Rịa cũng cho thấy, tại khu trung tâm thương mại hiện có đến khoảng 50% ki ốt, hàng sạp đã phải đóng cửa do buôn bán ế ẩm.
Còn tại khu vực nông thôn, dù chiếm từ 60-70% tổng dung lượng thị trường của Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng tình trạng buôn bán của tiểu thương trong vài năm trở lại đây cũng khó khăn do vắng khách. Điều đáng nói là hàng hóa ở nông thôn chủ yếu được phân phối chủ yếu qua hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, tình hình mua bán cũng không mấy khả quan.
Bà Bùi Thị Hồng, tiểu thương bán hàng rau, củ ở chợ Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) than thở: “Ngày nào may mắn lắm thì tôi bán được vài kg cải ngọt hay vài kg rau củ các loại khác. Chợ đâu có người, hôm nào đông cũng chỉ vài chục người vào chợ”.
Chợ Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ), mặc dù được đầu tư khang trang, sạch đẹp và nằm ngay trục đường chính QL55 nhưng cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, sức mua những năm gần đây giảm rất nhiều. Chỉ có những dịp lễ, Tết hoặc những dịp đặc biệt như khai giảng năm học mới thì sức mua tại chợ mới tăng lên nhưng vẫn không đáng kể.
Giảm sức hút vì sao?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chợ truyền thống ngày càng đìu hiu khách, trong đó có nguyên nhân đến từ việc bị cạnh tranh khốc liệt bởi nhiều loại hình kinh doanh hiện đại và đa dạng.
Với xu hướng hiện nay, các kênh phân phối hàng hóa hiện đại phát triển mạnh khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế. Cùng đó, trước những lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn và có xu hướng thích vào mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi do những điểm bán hàng này có không gian thoáng đãng, mát mẻ, sạch sẽ. Hàng hóa đa dạng, phong phú, có xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết công khai.
Bà Nguyễn Huế Hảo (phường 1, TP.Vũng Tàu) cho biết, ngoài kênh mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bà thường chọn mua hàng thông qua mạng online, điện thoại. Lợi ích của việc mua hàng này so với ở chợ là không mất thời gian, hàng được giao nhanh chóng, giá cả cũng rẻ hơn. “Tôi không thích mua hàng ở chợ vì vẫn còn một số trường hợp người bán nói thách, đòi giá quá cao so với giá trị thực của sản phẩm, tạo cho khách hàng tâm lý e dè, sợ bị mua “hớ”. Người bán hàng cũng không năng động sử dụng các chiêu thức thu hút khách hàng như: khuyến mại, tặng quà, giao hàng tận nơi..., phong cách bán hàng cũng như thái độ phục vụ chưa chuyên nghiệp”, bà Hảo nói.
Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều cửa hàng thuộc các hệ thống bán lẻ thực phẩm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như: WinMart+, Co.opFood, Bách hóa xanh... “len lỏi” vào tận khu dân cư. Chính điều này khiến sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ truyền thống giảm, trong đó, những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép... bị tác động nhiều nhất.
Theo Ban Quản lý các chợ, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, sức mua ở hầu hết chợ truyền thống giảm từ 70-80%% so với các năm trước khi chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19. Thống kê từ Sở Công thương cho biết, trong số 82 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, đã có 3 chợ phải tạm ngưng hoạt động. Một số chợ đang hoạt động nhưng tiểu thương bỏ sạp lên đến 60-70% vì buôn bán quá ế ẩm. |
(Còn nữa)
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN