GIẢI "BÀI TOÁN" CHO CHỢ TRUYỀN THỐNG Kỳ 2: Thay đổi phương thức quản lý và bán hàng

Thứ Tư, 19/04/2023, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Quy hoạch, bố trí sạp hàng ngăn nắp, làm mới phương thức bàn hàng, tiếp cận với xu hướng mua sắm hiện đại… là các giải pháp cần phải triển khai để chợ truyền thống tồn tại và phát triển.

Để khách quay lại với chợ truyền thống các tiểu thương cần thay đổi cách kinh doanh.  Trong ảnh: Cảnh người bán nhiều hơn người mua tại chợ Vũng Tàu.
Để khách quay lại với chợ truyền thống các tiểu thương cần thay đổi cách kinh doanh. Trong ảnh: Cảnh người bán nhiều hơn người mua tại chợ Vũng Tàu.

Tiêu chuẩn văn minh, hiện đại là hàng đầu

Chợ truyền thống không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa đơn thuần, mà còn nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin. Chợ vì thế, đã trở thành một phần trong văn hóa của cộng đồng dân cư các vùng miền.

Duy trì chợ như thế nào để không tụt hậu, đủ sức cạnh tranh với hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại, đa tiện ích? Nhiều ý kiến cho rằng, trước hết các tiểu thương phải điều chỉnh kỹ năng bán hàng, giao tiếp. Hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tiểu thương cũng cần quan tâm đến cách bài trí hàng hóa sao cho đẹp mắt, tiện lợi. Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, tiểu thương cũng phải biết tận dụng công nghệ số, ưu thế Internet để bán hàng trực tuyến…

Buôn bán hàng thực phẩm chợ Ngãi Giao, Châu Đức.
Buôn bán hàng thực phẩm chợ Ngãi Giao, Châu Đức.

Tuy nhiên, việc thay đổi đòi hỏi cách làm đồng bộ từ chính các tiểu thương và sự hỗ trợ tích cực từ đơn vị quản lý. Trên thực tế, hiện nay, một số địa phương đang triển khai cách làm bài bản để phát huy vai trò của chợ truyền thống.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa chia sẻ, TP.Bà Rịa đã xây dựng đề án nâng cấp hoạt động chợ Bà Rịa theo hướng kinh doanh hiện đại. Đề án tập trung sắp xếp quy hoạch lại tổng mặt bằng các quầy kinh doanh, bảo đảm chất lượng hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người dân, khách du lịch, đáp ứng tiêu chí chợ văn minh, thương mại...

TP.Bà Rịa cũng sẽ quy hoạch lại khu vực nhà lồng tươi sống khang trang, hiện đại hơn. Chỉnh trang một số khu vực kinh doanh ngoài nhà lồng và chợ đầu mối đêm, chợ “tự tiêu tự sản” hiện đang hoạt động 24/7 với khoảng 400 điểm kinh doanh.

Tương tự, chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) cũng vừa được đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp. Cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đơn vị quản lý tiến hành sắp xếp tiểu thương buôn bán bài bản theo từng nhóm hàng, bảo đảm chợ văn minh, sạch sẽ.

Còn tại TP.Vũng Tàu, UBND thành phố đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây mới chợ Vũng Tàu. Sau khi các cơ quan chức năng của tỉnh lựa chọn được nhà đầu tư chợ Vũng Tàu, thành phố sẽ hỗ trợ DN trong việc di dời, sắp xếp chỗ kinh doanh cho tiểu thương.

Chợ Ngãi Giao được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn.  Trong ảnh: Toàn cảnh chợ Ngãi Giao.
Chợ Ngãi Giao được đầu tư hơn 5 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn. Trong ảnh: Toàn cảnh chợ Ngãi Giao.

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Để chợ truyền thống phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở Công thương  sẽ tham mưu UBND tỉnh ưu tiên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các chợ theo hình thức xã hội hóa. Đối với những chợ truyền thống đã xuống cấp, ngành cũng phối hợp các địa phương có phương án để từng bước nâng cấp, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của tiểu thương và người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.

Theo ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn giảm gánh nặng chi phí cho cơ quan Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý chợ. Mô hình này cũng góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần chủ động kêu gọi nhà đầu tư, tiểu thương kinh doanh tại chợ cùng góp vốn đầu tư xây dựng chợ, góp phần nâng cao tiêu chí chợ. Đối với những chợ đã xuống cấp, các địa phương có phương án để từng bước sửa chữa, cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán và mua sắm của người dân và du khách. Ngoài ra, cần gắn kết các điểm bán hàng tại chợ với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương, yêu cầu niêm yết giá bán tại các quầy, sạp trong chợ và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển hệ thống chợ theo hướng sắp xếp hợp lý chợ hiện có, ổn định theo quy hoạch, hạn chế việc di dời và không để chợ tự phát hình thành. Đối với chợ dân sinh (chợ bán lẻ tổng hợp), đây vẫn là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu, tỉnh sẽ tiếp tục cải tạo, đầu tư để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.

 

 

;
.