Cảng cá vắng bóng ghe, tàu

Thứ Tư, 19/04/2023, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, các cảng cá trên địa bàn tỉnh đón rất ít ghe, tàu cập cảng, kéo  theo lượng hải sản bốc dỡ qua cảng cũng giảm sút.

Cảng Cát Lở vắng bóng tàu cá.
Cảng Cát Lở vắng bóng tàu cá.

Lượng tàu cá ra vào cảng giảm mạnh

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) cho biết, quý 1/2023 số lượng ghe, tàu cập cảng giảm mạnh. Tháng 1/2023 có khoảng 200 ghe, tàu cập cảng thì tháng 2 chỉ còn có 77 tàu. “10 ngày đầu tháng 3 chỉ có 1 tàu cá lớn cập cảng và vài tàu nhỏ vào tránh gió, sửa chữa, trong khi lúc cao điểm cảng có tới 200 tàu cá ra vào”, ông Hưng nói.

Do không có tàu cá cập cảng nên hầu như các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ cũng tê liệt, ảnh hưởng đến doanh thu của cảng. Sản lượng hải sản bốc dỡ qua cảng Cát Lở giảm mạnh. Năm 2021, sản lượng bình quân khoảng 4.000 tấn/tháng thì năm 2022 giảm còn 3.000 tấn/tháng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tháng 1 lượng hải sản bốc dỡ qua cảng được 2.500 tấn nhưng tháng 2 chỉ còn 659 tấn.

Tương tự, cảng cá Phước Hiệp (xã Phước Tỉnh), cảng cá Hưng Thái (xã Phước Hưng) ở huyện Long Điền cũng giảm mạnh lượng tàu cá cập cảng. Theo lãnh đạo cảng cá Phước Hiệp, lượng tàu cá ra vào cảng trong mấy tháng đầu năm giảm 40-50%.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc cảng cá Hưng Thái, lượng ghe, tàu ra vào cảng trong quý 1/2023 giảm từ 60-80% so với trước. Tương ứng theo đó, doanh thu của cảng cũng sụt giảm mạnh. Do Hưng Thái là cảng tư nhân, nên việc giảm doanh thu đồng nghĩa với ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. 

Ngư dân chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi ở cảng Hưng Thái.
Ngư dân chuẩn bị nguyên liệu trước khi ra khơi ở cảng Hưng Thái.

Nghi vấn tàu cá né cảng kiểm tra IUU?

Lãnh đạo các cảng cá nhận định, tình trạng “ế” tàu cập cảng có 2 nguyên nhân chính. Do thời tiết năm nay chuyển biến xấu, gió mùa Đông Bắc kéo dài, biển động nên ghe, tàu nằm bờ nhiều hoặc neo ngoài khơi tránh gió, chưa đánh bắt được nên không về cảng.

“Đây là lý do khách quan nhưng chúng tôi lo ngại có nguyên nhân thứ hai là tàu cá né các cảng có kiểm tra chống khai thác IUU nghiêm ngặt, để vào các cảng tự phát lấy nguyên liệu, dầu, đá, thức ăn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói. Điều ông Tuấn lo ngại là có cơ sở, bởi số lượng tàu cá rời cảng trong quý 1/2023 của cảng ông gần gấp 3 lần số lượng tàu cập cảng, trong khi bình thường 2 con số này tương đương nhau.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, công suất tiếp nhận tàu của các cảng hiện cũng còn hạn chế, không được đầu tư đồng bộ, nhiều cảng cá đã xuống cấp, ô nhiễm.

Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (3 khu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và 2 khu cấp tỉnh). Ngoài ra, toàn tỉnh có 6 cụm cảng cá, 10 bến cá. Quy mô các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão này có thể đáp ứng cho 3.700 lượt tàu cá công suất từ 90CV đến 600CV. Sản lượng thủy sản lưu thông qua hệ thống cảng cá khoảng 340.000 tấn/năm. Tỉnh đang có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá loại 2, cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc từ khai thác, đảm bảo công tác chống khai thác IUU.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Chẳng hạn, tại cảng Cát Lở, khi tàu về cảng bốc cá xong, đa số phải ra sông neo đậu vì vùng nước cảng không đủ đáp ứng. Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc cảng Cát Lở kiến nghị, tỉnh có quy hoạch, đầu tư nâng cấp mở rộng nơi đậu tàu, sớm đưa khu neo đậu trách trú bão sông Dinh vào hoạt động, tiếp nhận các tàu vào neo đậu để thực thi tốt công tác IUU.

Ở cảng Hưng Thái, công trình cảng đưa vào hoạt động từ năm 2015 đến nay đã xuống cấp. Công tác bảo dưỡng bảo trì tốn rất nhiều chi phí, nhất là chi phí nạo vét và duy tu cầu cảng. “Chi phí đầu tư cầu cảng rất lớn, nhưng do lượng ghe, tàu ra vào cảng giảm mạnh nên doanh thu phí hoạt động tàu cá rất thấp, không đủ chi phí khấu hao và sửa chữa”, ông Tuấn thông tin thêm.

Tương tự, 2 cảng Tân Phước và Phước Hiệp cũng được xây dựng từ những năm 1990, hiện đã xuống cấp, nhếch nhác, hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất phục vụ. Chiều dài cầu cảng ngắn (chiều dài cầu cảng Phước Hiệp 68m, cảng Tân Phước là 168m), chỉ có thể bố trí cho 3-8 tàu cập cảng cùng lúc, trong khi tại đây cao điểm có tới hàng trăm tàu ra vào sửa chữa và lấy nhiên liệu.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
;
.