Quy hoạch để phát triển đồng bộ đô thị Bà Rịa

Thứ Năm, 02/03/2023, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển Bà Rịa trở thành đô thị trung tâm là vấn đề tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và TP.Bà Rịa. Tâm huyết ấy được hiện thực hóa bằng việc quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đi trước để tạo nguồn lực cho phát triển Bà Rịa.

Đường Nguyễn Hữu Thọ (TP. Bà Rịa) được ngầm hóa lưới điện, bảo đảm mỹ quan đô thị. Ảnh: VÂN ANH
Đường Nguyễn Hữu Thọ (TP. Bà Rịa) được ngầm hóa lưới điện, bảo đảm mỹ quan đô thị. Ảnh: VÂN ANH

Quy hoạch đô thị đi trước

Trải qua nhiều giai đoạn trong quá trình hình thành và phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bà Rịa với vị trí địa lý thuận lợi, trở thành trung tâm kết nối, hội tụ của toàn tỉnh. Bà Rịa cũng là cái nôi của cách mạng trong kháng chiến và anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Do vậy, từ rất sớm, các thế hệ lãnh đạo tỉnh và TP.Bà Rịa đã định hướng phát triển Bà Rịa thành đô thị trung tâm kết nối toàn tỉnh. Từ đó, việc lập quy hoạch đô thị, thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc, lập và phê duyệt thiết kế đô thị... được thực hiện đồng bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kiến trúc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

BÀ PHẠM THỊ HẢI, CHI CỤC THUẾ KHU VỰC BÀ RỊA - LONG ĐIỀN - ĐẤT ĐỎ 
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
TP.Bà Rịa có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực, trong đó hạ tầng giao thông có sự phát triển vượt bậc, ngày càng đồng bộ và hiện đại. Từ các xã vùng nông thôn đến các phường, từ đường lớn đến khu dân cư hay ra cánh đồng, các tuyến đường đều được trải nhựa và bê tông hóa rộng khắp.
Nhiều tuyến đường chính được xây dựng khang trang, hiện đại như: Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… Các tuyến phố chính trong nội thị Bà Rịa đã được ngầm hóa lưới điện và hệ thống cáp các loại. Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Là công chức, cũng là người dân TP.Bà Rịa, tôi rất phấn khởi và tự hào trước sự phát triển của thành phố.

Những năm qua, TP.Bà Rịa là địa phương chuyển biến nhanh về xây dựng và phát triển đô thị điển hình của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong giai đoạn 2010-2020, hơn 5.344 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thành phố và nguồn vốn do các đơn vị khác đầu tư trên địa bàn đã giúp hàng trăm công trình hạ tầng hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, tuyến tránh Quốc lộ 56 qua Bà Rịa được tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điểm nhấn cho diện mạo thành phố, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng, thúc đẩy đô thị hóa khu vực cửa ngõ Đông Bắc Bà Rịa thay đổi diện mạo nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Nhiều công trình tiện ích công đáp ứng cuộc sống năng động và hiện đại của TP.Bà Rịa được xây mới và hoàn thiện như: Bệnh viện đa khoa 700 giường, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, hệ thống ngân hàng…

Bà Rịa cũng quy hoạch, bảo tồn và phát triển mảng xanh trong lòng đô thị. Hơn 22.500 cây xanh, 260.000m2 mảng xanh dọc theo 100 tuyến đường. Thành phố còn có nhiều công viên - hoa viên; tiểu cảnh được tôn tạo, dải phân cách, tiện ích công cộng được chăm chút. Toàn bộ hệ thống cấp điện và cáp quang khu vực nội ô được ngầm hóa hoàn chỉnh, góp phần cho không gian thành phố ngày càng khang trang, xanh-sạch-hiện đại.

Tiếp tục tập trung cho các dự án trọng điểm

TP.Bà Rịa đang tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm, Trung tâm Hành chính - Chính trị, trung tâm giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe của tỉnh.

Theo đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị loại II, tạo tiền đề để đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2025; xây dựng các xã nông thôn mới phát triển thành phường; mở rộng địa giới hành chính, tập trung phát triển khu du lịch Núi Dinh; mở rộng không gian phát triển đô thị thành phố phía Tây Nam Quốc lộ 51, khu vực cầu Cỏ May, khu vực Kim Dinh, Phước Hưng, Hòa Long. Bà Rịa phát triển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái; bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, từng bước chuyển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thành phố cũng điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp Trung tâm thương mại Bà Rịa theo hướng kinh doanh hiện đại, bảo đảm và duy trì nâng cao các tiêu chí chợ văn minh thương mại; nâng cao chất lượng hoạt động các chợ phường, xã; tiếp tục thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ; chuyển đổi công năng chợ Long Tâm. Thúc đẩy phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn...

Ngoài ra, thành phố còn phối hợp các sở ngành của tỉnh hoàn chỉnh thủ tục để chuyển giao núi Dinh về TP.Bà Rịa quản lý trong thời gian sớm nhất; đồng thời chủ động phối hợp các ngành của tỉnh để phát triển khu du lịch Núi Dinh, khu đô thị Tây Nam Quốc lộ 51 và Cỏ May, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế cho thành phố. Khai thác hiệu quả kinh tế khu vực ven sông: Cải tạo cảnh quan khu vực ven Sông Dinh, cải tạo chỉnh trang khu vực ngã ba Bà Rịa và cảnh quan khu vực Bến Súc; kết nối hiệu quả các dịch vụ phát triển kinh tế đêm.

Hiện nay, TP.Bà Rịa đang điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 giai đoạn đến năm 2045. Bên cạnh đó, quy chế quản lý kiến trúc thành phố cũng đã được các sở, ngành góp ý. Thành phố cũng đã triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch 11 đồ án trên 11 xã, phường. Để nâng cao chất lượng quy hoạch làm cơ sở quản lý, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, sau khi các quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố và của tỉnh.

Năm 2021-2022, Bà Rịa tiếp tục quản lý tốt quy hoạch, hoàn thành nhiều công trình, dự án trọng điểm tạo điểm nhấn về môi trường, cảnh quan, nâng cao chất lượng đô thị Bà Rịa như: Công viên Bà Rịa; cải tạo bờ Tây sông Dinh; xử lý môi trường rạch Thủ Lựu; đưa vào sử dụng 14 công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ tái định cư trên địa bàn; 11 công trình xây dựng trụ sở làm việc; 63 công trình giao thông, hoàn thành 80km bê tông nhựa, 18 km tráng nhựa, 26km bê tông xi măng.

MINH HƯƠNG

;
.