Phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn

Thứ Tư, 29/03/2023, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Cán bộ, kỹ sư kiểm tra quy trình vận hành, sản xuất nước sạch tại nhà máy nước Sông Ray.
Cán bộ, kỹ sư kiểm tra quy trình vận hành, sản xuất nước sạch tại nhà máy nước Sông Ray.

Đầu tư đồng bộ

Từ phòng điều khiển nhà máy cấp nước Sông Ray (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức), ông Phan Thăng Long, Trưởng Chi nhánh cấp nước Châu Đức (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) cùng kỹ sư Lê Văn Nhân kiểm tra quy trình vận hành và sản xuất nước qua màn hình máy tính cỡ 42 inch. Chỉ tay về phía màn hình, ông Long giải thích, trước đây một ca trực vận hành tại nhà máy nước Sông Ray phải cần 6-7 người mới bảo đảm tiến độ công việc nhưng nay hầu hết khu vực sản xuất đều vắng bóng công nhân. Đó là nhờ hệ thống sản xuất đã được tự động hóa, mọi hoạt động, quy trình vận hành được giám sát bằng công nghệ.

Ông Long giải thích thêm, chẳng hạn ở khu vực trạm bơm cấp 1 trước đây nếu có sự cố xảy ra, phải có công nhân trực tiếp túc trực xử lý. Thì nay chỉ cần một nút nhấn là có thể khóa van, ngắt nước, giảm áp lực… Đồng thời, sự cố cũng được cảnh báo tới điện thoại của lãnh đạo và kíp trực nên mọi việc được phát hiện, xử lý kịp thời.

Ông Phan Thăng Long cho biết thêm, nhà máy cấp nước sông Ray đi vào hoạt động từ năm 2017 với công suất 10.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho người dân khu vực nông thôn thuộc 11 xã của huyện Châu Đức và 4 xã của huyện Xuyên Mộc. Trước đây, nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất nhưng những năm gần đây dân số tăng nhanh, thêm vào đó là khách du lịch cũng tăng mạnh nên nhà máy đã hoạt động 100%. Riêng những ngày lễ, Tết nhà máy phải hoạt động 120% mới đáp ứng đủ nhu cầu cho người sử dụng.

“Nếu quản lý, vận hành sản xuất với mô hình truyền thống thì rất khó đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, tự động hóa, số hóa trong sản xuất nước đã giúp chúng tôi sản xuất hết hoặc hơn công suất vẫn nhẹ nhàng. Nhưng quan trọng chính là việc duy trì hệ thống tự động để tránh sai sót, bảo đảm độ chính xác cao; vừa tiết kiệm sức lao động vừa an toàn và hiệu quả”, ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Lưu Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Trung tâm đang quản lý, vận hành và khai thác 7 nhà máy cấp nước với tổng công suất thiết kế 53.400m3/ngày đêm, trong đó có 5 nhà máy xử lý nước mặt (gồm nhà máy nước Đá Bàng, Sông Hỏa, Sông Ray, Châu Pha, Hòa Hiệp) với công suất thiết kế 46.400m3/ngày đêm và 2 nhà máy xử lý nước ngầm (nhà máy nước Long Tân và nhà máy nước Cù Bị) với công suất thiết kế 7.000m3/ngày đêm.

“Tại các nhà máy cấp nước đã bố trí thiết bị giám sát liên tục chất lượng nước tại hiện trường cũng như online. Hằng tháng, trung tâm thuê đơn vị chức năng theo quy định giám sát chất lượng nước. Đối với nguồn nước thô, trung tâm cũng định kỳ giám sát tất cả các hồ chứa nhằm bảo đảm khai thác phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất”, ông Thuyên cho biết thêm.

Kỹ sư kiểm tra vận hành hố thu gom nước thô tại nhà máy nước Đá Bàng.
Kỹ sư kiểm tra vận hành hố thu gom nước thô tại nhà máy nước Đá Bàng.

Tiếp tục nâng cao năng lực cấp nước 

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Kể từ khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 có hiệu lực thi hành, cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, các chính sách liên quan và thực tiễn triển khai cho thấy, việc khai thác nước đang được bảo đảm an toàn, năng lực cấp nước ngày càng nâng cao.

Báo cáo của Sở TN-MT cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 30 hồ chứa nước có dung tích từ 5-10 triệu m3. Hiện tỉnh có 6 đơn vị sản xuất và cung cấp nước sạch, trong đó Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh giữ vai trò chính trong việc sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn. Theo đó, nguồn nước thô được lấy cung cấp cho các nhà máy xử lý bao gồm từ các hồ chứa và nguồn nước ngầm từ các giếng khoan. Đơn vị cấp nước đang hạn chế khai thác nguồn nước thô khai thác từ các giếng khoan, chủ yếu khai thác nguồn nước thô từ các hồ chứa để xử lý, bảo đảm chất lượng khi cung cấp cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, công trình khai thác sử dụng nước theo hướng bền vững. Đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, chống thất thoát, lãng phí nước và tăng cường bảo vệ chất lượng nguồn nước từ các công trình, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng được tăng cường nhằm bảo đảm nguồn cấp nước ổn định.

Kiểm tra mẫu nước tại nhà máy nước Đá Bàng.
Kiểm tra mẫu nước tại nhà máy nước Đá Bàng.

Ông Nguyễn Lưu Thuyên cho biết, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường vùng nông thôn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3646/QĐ-UBND năm 2018. Theo đó, nhà máy hồ Đá Bàng và hồ Sông Ray đều được nâng công suất sản xuất thêm 20.000 m3/ngày đêm/nhà máy. Nhà máy nước Châu Pha nâng công suất thêm 5.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Sông Hỏa nâng công suất thêm 4.600 m3/ngày đêm. Các nhà máy Hòa Hiệp, Long Tân, Cù Bị giữ nguyên công suất.

Với quy hoạch điều chỉnh như vậy đến năm 2025, công suất của các nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý sẽ nâng từ 5.300 m3/ngày đêm lên 103.000 m3/ngày đêm. Các dự án nâng công suất các nhà máy đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2023-2025.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.