Phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ số
Sáng 16/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí The Asian Banker Global tổ chức hội nghị “Dịch vụ Tài chính Bán lẻ xuất sắc năm 2023”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng bán lẻ là định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu của các ngân hàng và tổ chức tài chính, giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại trên nền tảng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số.
Tại Việt Nam, năm 2022, dịch vụ thương mại điện tử tăng trưởng 20% so với cùng kỳ 2021 và quy mô ước đạt 16,4 tỉ USD, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong nước là 57 - 60 triệu người, chiếm hơn 50% dân số với giá trị mua sắm trực tuyến của một người ước đạt 5,7 - 6,2 triệu đồng/năm, số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các kênh thanh toán internet banking và mobile banking sự tăng trưởng cả về số lượng và giá trị.
Cuối 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022...
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, sự dịch chuyển của người dân từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức thanh toán điện tử tăng cao. Chỉ tính riêng trong quý I/2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 28,4 triệu món, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt hơn 531 ngàn tỷ đồng.
NHẬT MINH