.

Khơi thông dòng vốn, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 20:23, 16/03/2023 (GMT+7)

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  thông báo giảm 1% một số lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, một số ngân hàng đã lập tức điều chỉnh biểu lãi suất huy động và giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn.

Ngày 15/3, nhóm 4 NHTM: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Bà Rịa.
Ngày 15/3, nhóm 4 NHTM: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Bà Rịa.

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Sáng 16/3, khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, chỉ sau 1 ngày sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động.  

Chẳng hạn, tại DongABank, điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng-3 tháng xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7,9%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,5%.

Còn tại VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,5% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, sản phẩm có lãi suất cao nhất là tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất trần của NHNN đưa ra là 6%/năm. Trong khi các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh từ 9%/năm về mức 8,5%/năm.

Các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được VietABank áp dụng mức lãi suất 8,6% so với 9,1%/năm trước đó. Trong khi các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 15 tháng cùng hưởng lãi suất 8,7% cũng giảm 0,5%. Các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại VietABank đang có lãi suất cao nhất ở mức 8,8%/năm.

Trước đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường có cùng kỳ hạn ở các NHTM cổ phần khác.

Cùng với với việc giảm lãi suất, thời gian qua, một số ngân hàng cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc VietinBank, Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, hệ thống VietinBank đang triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các DNNVV lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.

BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng đến hết 30/4/2023. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.

NHNN cho biết, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DNNVV

Theo phản ánh của các DN, tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Và kết quả tín dụng đối với DNNVV đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn.

Tại Bà Rịa--Vũng Tàu, cho vay đối với khách hàng DNNVV trong quý ước đạt 9.300 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 24.900 tỷ đồng với 2.850 DN còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 3,66% so cuối năm 2022, chiếm 50,92% dư nợ cho vay DN, chiếm 16,1% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Trước thực trạng này, ông Trần Thiên Trí, Phó giám đốc NHNN, Chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh cập nhật thông tin đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân và DN liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2023. Đồng thời, đề nghị các Sở, ban, ngành, các Hiệp hội DN và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp rà soát, nắm bắt thông tin về tình hình tiếp cận vốn vay ngân hàng của các DN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời,  giúp DN và người dân duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu các NHTM trên địa bàn tiếp tục giải ngân theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết để bổ sung nguồn vốn cho các DN phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
.
.
.