Đa dạng sinh học rừng của Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo được các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Vì vậy, những năm gần đây tỉnh có chủ trương khai thác môi trường rừng tại VQG Côn Đảo để phát triển kinh tế nhưng hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường rừng nghiêm ngặt.
Khách du lịch dạo bộ trong VQG Côn Đảo. |
Khai thác môi trường rừng
Theo đánh giá của các chuyên gia, VQG Côn Đảo hội đủ các yếu tố của rừng khá độc đáo với kiểu rừng mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá. Rừng tại VQG Côn Đảo có 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát - bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vì vậy, việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của Côn Đảo có vai trò quan trọng. Vườn có 1.077 loài thực vật bậc cao có mạch và 160 loài động vật, trong đó 44 loài thực vật được phát hiện đầu tiên ở Côn Đảo, có 11 loài thực vật mang tên Côn Sơn. Các đảo thuộc quần đảo Côn Đảo sở hữu nhiều loài thực vật quý hiếm như: Lát hoa, găng néo, quăng lông… Ngoài ra, Côn Đảo còn nổi tiếng với 4 loài động vật đặc hữu là: Sóc đen Côn Đảo, thạch sùng Côn Đảo, khỉ đuôi dài Côn Đảo, rắn khiếm Côn Đảo…
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo, để giữ được rừng và nuôi rừng phát triển cần nhiều giải pháp, trong đó mô hình hoạt động du lịch sinh thái thông qua việc cho thuê môi trường rừng. Vấn đề đặt ra cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa rừng.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, Côn Đảo là Khu du lịch Quốc gia có tài nguyên du lịch cả về rừng và biển, mà rừng và biển nằm trong sự quản lý của VQG Côn Đảo nên chắc chắn VQG Côn Đảo phải phát triển du lịch. Đó là nhiệm vụ song hành cùng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường rừng. “Việc phát triển du lịch này còn nhắm đến một mục tiêu lớn là phát triển kinh tế rừng. Để phát triển kinh tế rừng, cách duy nhất là phát triển du lịch”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành nói.
Hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, VQG Côn Đảo có 20 địa điểm với diện tích hơn 900ha cho thuê. Nguyên tắc cho thuê môi trường rừng là không thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng; nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương.
Các dự án thuê môi trường rừng phải nhằm mục đích khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, góp phần quản lý bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn huyện Côn Đảo. Đồng thời thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn huyện; xác định kinh tế-xã hội, giá trị môi trường của khu rừng để xây dựng mức giá cho thuê rừng, đảm bảo giá trị của rừng được chi trả đúng, đủ khi thực hiện dự án. Nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án phải có nghĩa vụ phối hợp với VQG bảo vệ rừng; đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và các nghĩa vụ khác... Thời gian cho thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hợp đồng và sự tuân thủ phương án quản lý rừng bền vững.
“Việc kinh doanh du lịch sinh thái trong khu vực thuê môi trường rừng nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch sinh thái ở VQG Côn Đảo và mục đích cho thuê môi trường rừng theo Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững VQG Côn Đảo đến năm 2030”, ông Pho nói.
Theo Sở TN-MT, những năm gần đây, vấn đề giữ rừng và phát triển kinh tế rừng được tỉnh rất quan tâm với mục tiêu là bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị của rừng, giảm gánh nặng ngân sách hằng năm, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Theo chủ trương này, nhiều đơn vị chủ rừng, quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hạ tầng khai thác kinh tế rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho hơn 60 dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ