.

Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp

Cập nhật: 20:36, 22/02/2023 (GMT+7)

Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) của tỉnh với 23 mô hình trong giai đoạn 2022-2026. Đây là thông tin từ Sở KHCN tại Hội thảo lần 2 góp ý “Đề án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giai đoạn 2022 – 2026 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, diễn ra sáng 22/2.

Ông Trần Văn Mảng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh góp ý nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho các dự án ứng dụng tiến bộ KHKT 30%/dự án là còn thấp, nên liên kết 5 nhà để mở rộng, tăng nguồn vốn hỗ trợ.
Ông Trần Văn Mảng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh góp ý nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho các dự án ứng dụng tiến bộ KHKT 30%/dự án là còn thấp, nên liên kết 5 nhà để mở rộng, tăng nguồn vốn hỗ trợ.

Ứng dụng KHCN trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở KHCN Bà Rịa Vũng Tàu, cho biết phát triển, ứng dụng tiến bộ KHCN đóng vai trò chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh BR-VT giai đoạn 2022-2030. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2016 đến năm 2020, Sở KHCN đã triển khai 37 đề tài, dự án (ĐTDA). Nhiều ĐTDA đã được nghiệm thu, đưa vào thực tiễn sản xuất. Đặc biệt, việc ứng dụng KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản). Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

Tại hội nghị, Sở KHCN đã đề xuất 23 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trong giai đoạn 2022-2026, gồm: công nghệ thông tin và chuyển đổi số (7 mô hình), công nghệ sinh học (7 mô hình), công nghệ chế biến bảo quản sản phẩm chủ lực (6 mô hình) và ứng dụng KHCN khác (3 mô hình). Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất - chế biến - bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư thực hiện đề án giai đoạn 2022-2026 là 92,37 tỷ đồng.

Liên kết 5 nhà để phát triển KHCN trong nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng,  Đề án ứng dụng tiến bộ KHCN giai đoạn 2022 – 2026 rất kịp thời và cần thiết trong bối cảnh nông sản đang rớt giá hiện nay. Ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận.

Tuy nhiên, theo ông Mảng, mức hỗ trợ mô hình theo tỷ lệ 30% (vốn nhà nước) – 70% (vốn người dân) là còn thấp, nên tăng lên thành 40% – 60% hoặc 50%-50%. “Nông dân hiện đang rất thiếu vốn để ứng dụng tiến bộ KHCN, nguồn vốn của Sở KHCN hỗ trợ cho các mô hình  này chỉ được 30%. Trong khi chúng ta có tới 5 nhà: nhà nông – doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học và nhà băng. Chúng ta còn bỏ quên 3 nhà còn lại, nên liên kết lại hết với nhau để tăng nguồn vốn lên hơn, để việc ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển mạnh mẽ hơn trong tỉnh”, ông Mảng góp ý.

Cùng quan điểm, ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH DVSX Ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) cho biết, việc liên kết nhiều “nhà” trong ứng dụng KHCN cho hiệu quả kinh tế cao và sức lan tỏa lớn. Công ty cũng đang có dự án liên kết, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trồng trọt (tưới tiêu, công nghệ trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, phân bón vi sinh, cung cấp cây giống…) và bao tiêu cho nông dân, HTX trồng ca cao trên địa bàn huyện Châu Đức rất hiệu quả. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHCN đã giúp nông dân trồng ca cao giảm được chi phí sản xuất hơn 20%, từ đó giúp tăng lên giá bán và lợi nhuận từ 15-20%. “Công ty đang dự kiến phối hợp cùng Hội Nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh mở rộng diện tích trồng ca cao và bao tiêu cho nông dân huyện Châu Đức từ 600ha hiện nay lên 2.000ha”, ông Thành nói.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

Tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh BR-VT đã có 497 cơ sở (doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân) tham gia đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ KHCN (công nghệ cao). Trong đó lĩnh vực sản xuất trồng trọt là 354 cơ sở; lĩnh vực chăn nuôi 127 cơ sở; lĩnh vực thủy sản 16 cơ sở. Ngoài ra còn các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất ứng dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực bảo quản, chế biến tiêu thụ nông sản.

 

.
.
.