.

Đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm

Cập nhật: 18:29, 21/02/2023 (GMT+7)

Sáng 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Phải giải ngân ít nhất 95% vốn đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, việc thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công là một trong những giải pháp vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn, là vấn đề trăn trở kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, công điện, thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến cuối tháng 1/2023 gần 541.858 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch được giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%), nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 ngàn tỷ đồng) so với năm 2021.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước gần 711,7 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 130 ngàn tỷ đồng so với 2022. Với nhiệm vụ này, Thủ tướng yêu cầu phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu, thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Trước khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Tại Bà  Rịa - Vũng  Tàu, trong tháng 1/2023, tỉnh đã giải ngân gần 496 tỷ đồng vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương hơn 2,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 493 tỷ đồng) đạt 4,48% vốn kế hoạch.

Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, rà soát 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng nghiêm khắc phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó, phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.

Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023 đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó, tập trung khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; Nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong giải quyết các vướng mắc phát sinh. Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án; Nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; xác định rõ và công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện lựa chọn nhà thầu để lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, uy tín, kinh nghiệm. Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm trễ. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

PHÚC HIẾU

 

.
.
.