.

Mở rộng vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số - Giải pháp bảo đảm đầu ra ổn định

Cập nhật: 20:31, 22/02/2023 (GMT+7)

Để nâng cao giá trị cũng như ổn định đầu ra cho các loại cây ăn trái, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, DN, HTX và nông dân hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng.

Chăm sóc bưởi hữu cơ tại hộ ông Hồ Hoàng Kha (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ).
Chăm sóc bưởi hữu cơ tại hộ ông Hồ Hoàng Kha (xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ).

Nhiều vùng trồng được cấp mã

Với sự đầu tư bài bản, đạt chuẩn ATVSTP, vùng trồng nhãn của Công ty Thái Lâm (diện tích 11ha) và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm (diện tích 29,2ha, ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thị trường Nhật Bản.

Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm 2018, khi 29,2ha nhãn của HTX Nhân Tâm được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái nhãn đã được xuất đi Trung Quốc. Đến nay, việc cấp mã vùng trồng xuất khẩu vào Nhật Bản là cơ hội lớn để trái nhãn của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường. “Việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao bởi có thị trường xuất khẩu ổn định”, ông Hoành nói.

Chăm sóc nhãn tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm.
Chăm sóc nhãn tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nhân Tâm.

5 năm qua, ông Hồ Hoàng Kha (xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) đã chuyển sang canh tác hữu cơ cho 5ha bưởi da xanh. Ông còn liên kết với 5 hộ trồng bưởi khác tạo vùng nguyên liệu và thiết lập hồ sơ cấp mã số vùng trồng. Cuối năm 2022, 18ha bưởi của ông Kha và 5 hộ dân đã được cấp mã số vùng trồng, bảo đảm các điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ...

Theo ông Kha, để được thiết lập mã số vùng trồng, trước hết phải thay đổi phương thức sản xuất. Sản phẩm phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đây là hướng đi mới giúp nông sản nâng cao được giá trị và có nhiều cơ hội xuất khẩu theo đường chính ngạch đến các thị trường lớn.

Ngoài nhãn và bưởi, hiện nay, 167ha chuối già Nam Mỹ được trồng áp dụng công nghệ cao của  Công ty CP Cao su Thống Nhất cũng đã được cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

80% sản phẩm chuối của công ty đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, còn lại 20% tiêu thụ trong nước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu khoảng 6.000 tấn/năm, lợi nhuận đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm. Theo đại diện Công ty CP Cao su Thống Nhất, để bảo đảm các tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng chuối, ngay từ khi lập dự án đầu tư công ty cũng đã cùng lúc tiến hành làm các thủ tục đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn ATVSTP, đăng ký cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty CP Cao su Thống Nhất.
Sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty CP Cao su Thống Nhất.

Phát triển vùng cây ăn trái theo hướng bền vững

Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã. Các vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực của tỉnh đã và đang được các địa phương xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu và có đầu ra ổn định hơn.

Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT, lợi thế cạnh tranh của nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu là có, nhưng để tiến đến xuất khẩu cần phải thay đổi phương thức canh tác, sản xuất, trong đó các loại nông sản phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, chứng nhận VietGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Theo ngành nông nghiệp, hiện tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt hơn 13.700ha, tăng hơn 1.400ha so với năm 2021. Bình quân năng suất đạt gần 12,6 tấn/ha với tổng sản lượng trên 130 ngàn tấn/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 12 vùng trồng trái cây được cấp mã với tổng diện tích 528,2ha, sản lượng ước trên 10.730 tấn.

Do đó, năm 2023, ngành tiếp tục triển khai văn bản của tỉnh về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh như: thanh long, sầu riêng...

“Ngành cũng tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất; tăng cường truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, DN tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là những giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây của tỉnh”, ông Nguyễn Chí Đức thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.