Tái canh, nâng chất lượng cây cà phê
Trước tình trạng diện tích cây cà phê trên địa bàn tỉnh đang ngày càng già cỗi và giảm mạnh, UBND tỉnh đã có kế hoạch tái canh cây cà phê nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (Thôn Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Thời gian qua, do giá cà phê ngày càng giảm, giá trị kinh tế từ loại cây chủ lực một thời của tỉnh mang lại không cao nên nhiều hộ dân đã từng bước chặt bỏ, hoặc trồng xen canh với nhiều loại cây khác.
Ông Võ Ngọc Thanh (thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang trồng 1,8ha cà phê xen canh với cây sầu riêng. Ông Thanh cho biết: “Giá cà phê mỗi năm mỗi thấp, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg, trừ chi phí người trồng không có lãi”.
Số liệu của ngành nông nghiệp, tính đến tháng 2/2023 diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh hơn 2.380ha, trong đó Châu Đức là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh với hơn 1.546ha, giảm gần 50% diện tích so với thời điểm năm 2018.
Hiện nay hầu hết các vườn cà phê còn lại trên địa bàn tỉnh đều được trồng xen canh với cây hồ tiêu, ca cao hoặc cây trồng khác, không còn diện tích cà phê trồng riêng lẻ trên một diện tích đất.
Ông Võ Ngọc Thanh chăm sóc vườn cà phê rộng 1,8ha trồng xen canh của gia đình. |
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trước thực trạng diện tích cà phê ngày càng giảm mạnh, UBND tỉnh vừa phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND triển khai đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Diện tích cà phê trồng tái canh phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đáp ứng các điều kiện như: vườn cà phê già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất bình quân 3 năm liền thấp dưới 2 tấn nhân/ha, vườn cà phê không thể áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc ghép cải tạo; vườn cà phê trồng tái canh từ 1-3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh trồng tái canh 108ha cà phê, với năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.
Việc thực hiện tái canh cà phê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê; nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các địa phương, cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn, vận động người dân tái canh cà phê theo hướng công nghệ cao, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng các giống cà phê mới thích hợp với điều kiện sinh thái địa phương, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, củng cố hoạt động của các HTX hiện có, đồng thời thành lập mới HTX đủ năng lực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, thúc đẩy gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ cà phê theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Lộ trình thực hiện Đề án cụ thể: năm 2021 đã thực hiện trồng tái canh 20ha tại huyện Châu Đức, năm 2022-2023 thực hiện tái canh với tổng diện tích 51ha, năm 2024 là 23ha và năm 2025 thực hiện 14ha. UBND tỉnh giao cho UBND huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn quản lý về Sở NN-PTNT trước ngày 15/11 hàng năm. |
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - TẤN HOÀNG