.

Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

Cập nhật: 19:32, 13/02/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần khẳng định, không có chủ trương siết tín dụng bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp cận, vay vốn của DN bất động sản vẫn vô cùng khó khăn.

Khách hàng tìm hiểu dự án căn hộ chung cư Chí Linh center.  Ảnh: MINH TÂM
Khách hàng tìm hiểu dự án căn hộ chung cư Chí Linh center. Ảnh: MINH TÂM

DN rơi vào vòng luẩn quẩn

Ông T., Chủ tịch HĐQT một công ty xây dựng và BĐS trên địa bàn tỉnh cho biết, công ty của ông triển khai xây dựng dự án chung cư cao cấp từ tháng 3/2022 với tổng diện tích hơn 7.400m2, quy mô 2 tầng hầm, 25 tầng nổi với 595 căn hộ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc siết chặt vốn vay BĐS khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Công ty chỉ tiếp cận được vốn vay thi công theo nhu cầu của DN và giải ngân theo tiến độ của dự án với lãi suất khoảng 11%/năm.

Ông T., cho biết thêm, NHNN cũng đã nới room tín dụng nhưng nếu lãi suất không giảm, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, với lãi suất đầu vào 10 - 12%/năm như thời gian qua, khó có DN nào có thể chịu nổi gánh nặng lãi suất cho vay trong bối cảnh giá đất, chi phí đền bù, vật liệu xây dựng đều tăng giá mạnh. Do đó, giá bán cũng tăng. Khi đó việc phân phối các sản phẩm đầu ra là căn hộ chung cư, căn hộ shophouse, căn hộ duplex… sẽ rất khó khăn.

Còn theo ông Th., giám đốc một DN BĐS thường xuyên xây dựng dự án đất nền cho biết, 2 năm nay anh không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, yêu cầu phải có tài sản thế chấp của DN, phải chứng minh được khả năng thanh toán… Những yêu cầu này DN hiện chưa đáp ứng được vì tín dụng thì thắt chặt, các chính sách về đất đai lại chưa cởi trói cho DN nên nhiều khu hạ tầng đã xong nhưng giấy chứng nhận QSDĐ chưa được cấp cho từng khu đất nền. Không có “sổ đỏ” thì DN không có tài sản để thế chấp. Không bán được đất thì không chứng minh được khả năng thanh toán. Vì vậy, DN sẽ khó huy động được nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án hoặc không thể tái đầu tư để phát triển DN. “Chúng tôi cứ thế rơi vào vòng luẩn quẩn. Nếu tình trạng này kéo dài các DN BĐS sẽ không cầm cự nổi”, ông Th., than vãn.

Tương tự như ông Th., khi được hỏi về việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để phát triển dự án, lãnh đạo một DN BĐS khác trả lời ngắn gọn “còn khó hơn lên trời”. Theo vị lãnh đạo này, các ngân hàng cho rằng, để vay vốn chỉ cần hồ sơ đủ điều kiện là có thể giải ngân. Tuy nhiên, điều kiện mà họ đưa ra là dự án phải đóng xong tiền sử dụng đất, đã có sổ đỏ và phải có giấy phép xây dựng. Nhưng để ra được giấy phép xây dựng phải mất mấy năm. Mà nếu có giấy phép xây dựng, DN có thể bán hàng huy động vốn từ khách hàng, đâu cần phải vay ngân hàng.

Trong khi đó, theo chị Tr., chủ một sàn giao dịch BĐS cho rằng, việc thắt chặt tín dụng như vậy không chỉ làm giảm nguồn vốn vay của chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng cả đến nguồn vốn trả trước của khách hàng, do người mua khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng nên sẽ trì hoãn việc mua nhà hoặc tìm đến kênh đầu tư khác. “Đó cũng là lý do mà gần một năm qua, sàn chỉ có 5-10 giao dịch BĐS mỗi tháng thay vì 40-50 giao dịch/tháng như trước đây. Không riêng gì các nhà đầu tư theo hình thức kinh doanh, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực cũng không thể mua trong thời điểm vừa qua do không có nguồn vay”, chị Tr., Nói.

Nhân viên BIDV Phú Mỹ kiểm tra tiền cho khách hàng. Ảnh: NHẬT MINH
Nhân viên BIDV Phú Mỹ kiểm tra tiền cho khách hàng. Ảnh: NHẬT MINH

Khơi thông dòng vốn tín dụng BĐS

Tại cuộc họp về tín dụng với các DN BĐS  ngày 8/2 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN BĐS và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án BĐS đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ. Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định pháp luật để hỗ trợ DN BĐS và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng dự án BĐS tiếp cận vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện,... Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS.

Đồng thời, chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án BĐS đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các DN hoạt động tốt…

Lĩnh vực BĐS là một trong những ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế, thị trường BĐS có sự liên thông với các ngành kinh tế khác, do đó NHNN cho biết chưa từng có văn bản và phát ngôn nào khẳng định siết chặt tín dụng BĐS. Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong BĐS, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng BĐS phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào.

Ở góc độ ngân hàng thương mại,  bà Nguyễn Thanh Thủy - Giám đốc BIDV - Chi nhánh Phú Mỹ cho biết, chủ trương của đơn vị là không siết chặt đối với dự án BĐS. Do đó, đối với những dự án có tính hiệu quả, khả thi, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ tín dụng.

PHAN HÀ- QUANG VŨ

.
.
.