Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ

Thứ Hai, 06/02/2023, 18:55 [GMT+7]
In bài này
.

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa về nguyên liệu... Đó đang là những đòi hỏi để công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có thể phát triển trong tương lai.

Hiện nay, hơn 90% nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Hiện nay, hơn 90% nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Phụ thuộc vào nhập khẩu

Toàn tỉnh hiện có 13 nhóm mặt hàng vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm: máy móc thiết bị, hóa chất, nguyên liệu giày da, may mặc, hàng tiêu dùng, nguyên liệu hải sản, bao bì, khí công nghiệp, nguyên liệu gạch men, phân bón… Trong số này ngành hàng phải nhập khẩu nhiều nhất là gỗ, giày da 80%, linh kiện, thiết bị cơ khí, điện tử 70%, may mặc 60%.

Đơn cử như ngành dệt may, tỷ lệ nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước hiện rất thấp. Những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, DN đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc, Công ty CP may xuất khẩu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, nguyên liệu DN sản xuất các DN trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10%, còn lại các nguyên liệu chính như vải hơn 90% phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tương tự, với ngành chế biến gỗ,  đa phần nguồn phụ liệu như đinh vít, sơn, giấy chà nhám, trang trí… đều được nhập khẩu, trong đó 70% từ Trung Quốc. 

Những dẫn chứng trên cho thấy, phát triển CNHT còn chậm, phụ thuộc rất nhiều từ các DN nước ngoài. Các DN nội phần lớn quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác...

Thúc đẩy CNHT phát triển

Là DN hoạt động trong ngành CNHT, ông Jang Jae Hyun, Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Novas EZ cho biết, với các tiềm năng sẵn có, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế để phát triển các ngành CN, trong đó có ngành CNHT. Tuy nhiên, việc phát triển ngành CNHT cần quy hoạch thành từng vùng kinh tế cụ thể, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì. Đồng thời, Chính phủ sớm xây dựng Luật công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN ngành CNHT đạt tỷ trọng 5-10% tổng số DN vào năm 2025.

Các DN cũng đề xuất, nhà nước cần có sự phối hợp cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phù hợp hơn với những ngành CNHT đòi hỏi độ chính xác cao cũng như đáp ứng việc dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã và đang xây dựng, củng cố những chính sách để phát triển CNHT, thúc đẩy quá trình nội địa hóa các sản phẩm công nghệ cao bằng các giải pháp như hình thành và phát triển thị trường CNHT sản phẩm công nghệ. Trong đó tập trung vào các ngành cơ khí, đóng tàu, cảng biển, công nghiệp y tế, công nghiệp môi trường.

Trước mắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương và các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ các DN sản xuất công nghiệp chủ lực có đóng góp lớn ngân sách như DN cơ khí chế tạo, may mặc… tìm kiếm mở rộng thị trường, nguồn nguyên liệu trong nước giúp DN tận dụng cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.