.

Chỉ số xanh cấp tỉnh, hướng tới phát triển bền vững

Cập nhật: 18:26, 21/02/2023 (GMT+7)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, việc áp dụng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) vào tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các DN và nền kinh tế.  Qua đó, giúp tỉnh sàng lọc các dự án đầu tư, tạo động lực để các DN đầu tư theo hướng giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường.

Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu được vận hành 100% năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường.
Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu được vận hành 100% năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường.

Không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng​

Nhằm thúc đẩy các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền trong hoạch định chính sách, góp phần thu hút các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường và các dự án “xanh”, chất lượng cho Việt Nam, từ năm 2022, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã áp dụng PGI vào tiêu chí đánh giá PCI.

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương về môi trường kinh doanh xanh dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu; mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương; trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN; mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác.

Những năm nay qua, với chủ trương không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng, Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiên trì thực hiện phát triển nền công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Theo đó các dự án thu hút vào tỉnh đều được chọn lọc với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động.

Chẳng hạn như Nhà máy bia Heineken Việt Nam-Vũng Tàu, thuộc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, hoạt động từ tháng 9/2022, vận hành tự động, sử dụng công nghệ “không chạm” trong tất cả các khâu của quá trình nấu bia, từ nhập nguyên liệu, nấu, lên men đến lọc bia. Mọi công đoạn đều tập trung xử lý tại phòng điều khiển cùng với đội ngũ nhân viên lành nghề. Đặc biệt, nhà máy được vận hành 100% năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng cho việc chiếu sáng cũng như hỗ trợ tuần hoàn không khí cho toàn bộ khu vực.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đặt mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược sản xuất và kinh doanh. Heineken Việt Nam không chỉ hướng đến mục tiêu bù hoàn 100% lượng nước sử dụng còn hướng đến phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2025. Cụ thể, mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE (Regenerate - tái tạo; Share - chia sẻ; Optimize - tối ưu hóa; Loop - tái sử dụng/tái chế; Virtualize - số hóa và Exchange - chuyển đổi) đang được áp dụng giúp DN từng bước đạt mục tiêu. Bám sát mô hình RESOLVE, Heineken Việt Nam tối ưu hoá không gian nhà máy với việc quy hoạch hơn 10ha trên tổng diện tích 40ha cho cây trồng và không gian xanh, thân thiện môi trường.

Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ PFG đi vào hoạt động cuối năm 2021, với công nghệ hiện đại, tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường.

Ông Ngô Xuân Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhà máy có công suất thiết kế 1.500 tấn thủy tinh lỏng/ngày. Các sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền công nghệ cao, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, đúng theo chủ trương về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. “Công nghệ sản xuất kính siêu trắng về mặt bản chất cũng tương đồng với công nghệ sản xuất kính xây dựng. Tuy nhiên, nó được ứng dụng vào sản xuất pin mặt trời là một lĩnh vực mới và đang được đầu tư rất mạnh tại Việt Nam”, ông Thắng thông tin.

Người lao động Công ty TNHH MEI SHENG TEXTILES Việt Nam (huyện Châu Đức)  trong giờ làm việc.
Người lao động Công ty TNHH MEI SHENG TEXTILES Việt Nam (huyện Châu Đức) trong giờ làm việc.

Thu hút doanh nghiệp công nghệ cao

Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những DN công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.

Quan điểm của tỉnh trong việc thu hút đầu tư trong thời gian qua là hướng đến phát triển không đánh đổi môi trường, theo hướng bền vững. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến 2050 sẽ tham gia cam kết của Chính phủ đối với môi trường. Do vậy, các dự án thu hút tới đây có dây chuyền công nghệ mới hiện đại, không thâm dụng lao động được ưu tiên nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Tại buổi làm việc mới đây với VCCI về các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc đưa chỉ số xanh vào bộ tiêu chí đánh giá PCI cấp tỉnh dù mới được hình thành nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các DN và nền kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều tỉnh, thành phố thì chỉ số này sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. 

"Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục kiên định với con đường phát triển kinh tế xanh, bền vững môi trường để chung tay cùng các tỉnh, thành phố trong công cuộc bảo vệ môi trường", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh khẳng định, 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC 

.
.
.