Chủ động phòng trừ sâu bệnh vụ lúa Đông Xuân

Thứ Năm, 09/02/2023, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, nông dân đã gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 được 2 tháng và đang trong giai đoạn phát triển. Để cây lúa đạt năng suất cao, bà con nông dân triển khai các giải pháp như: phun xịt, bón phân cho lúa.

Nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) thăm ruộng.
Nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) thăm ruộng.

Những ngày này, tại các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Long Điền và Xuyên Mộc - 2 địa phương có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh, bà con nông dân tích cực thăm đồng và triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sâu bệnh cũng như tình trạng chuột cắn phá cây lúa.

Vụ Đông Xuân 2022-2023, nông dân huyện Long Điền gieo trồng gần 1.000ha lúa với các giống: OM 4900, OM 6162, OM 5451, Đài Thơm 8… Theo bà con nông dân, vụ lúa năm nay thời tiết bất lợi, trời lạnh kéo dài, sáng sớm có sương mù, trưa nắng gắt nên ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây lúa. Đồng thời, thời tiết như vậy cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển.

Hiện nay, nhiều diện tích lúa Đông Xuân của huyện Long Điền đang xuất hiện bọ trĩ, sâu đục thân gây hại. Thêm vào đó, một số thửa ruộng bị chuột cắn phá. Vì vậy, nông dân đang tăng cường phun xịt thuốc phòng trừ.

Ông Nguyễn Bá Phương (nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền) cho biết, giai đoạn này, lúa đang làm đòng, trong khi thời tiết bất lợi khiến sâu bệnh phát triển. “Cây lúa đã xuất hiện sâu cuốn lá, nhưng do nông dân phát hiện sớm và triển khai phun thuốc phòng ngừa nên khắc phục được, tỷ lệ thiệt hại nhẹ. Bên cạnh sâu bệnh, tình trạng chuột cắn phá lúa cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, nhất là giai đoạn lúa đang làm đòng. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên thăm đồng để khắc phục kịp thời”, ông Phương nói.

Tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, hơn 500ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng cũng đối mặt với sâu đục thân gây hại. Để bảo đảm cho vụ lúa phát triển ổn định, nông dân xã Phước Thuận thường xuyên thăm đồng để nắm bắt diễn biến sâu bệnh, đồng thời sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa kịp thời và hiệu quả.

Ông Huỳnh Văn Hòa, nông dân xã Phước Thuận cho biết: “Thời tiết bây giờ khó đoán lắm. Mọi năm thời tiết thuận lợi thì sau 30 ngày mới có sâu bệnh, còn vụ này thời tiết thất thường quá. Sau Tết mà trời vẫn còn lạnh và có sương mù vào sáng sớm, trong khi trưa thì nắng gắt nên sâu bệnh xuất hiện sớm hơn. Nông dân phải theo sát diễn biến thời tiết và tăng cường phun xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh”.

Theo Sở NN-PTNT, vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo trồng gần 7.000ha lúa. Đây cũng là vụ canh tác có năng suất cao hơn so với các vụ khác từ 1-2 tấn/ha. Giống lúa đưa vào sản xuất trong vụ Đông Xuân chủ yếu là: OM4900, IR 50404, ML48, OM 4900, OM 6162, OM 5451, Đài Thơm 8… Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân ngay từ đầu vụ sử dụng các giống lúa xác nhận có khả năng kháng sâu bệnh và cho năng suất cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp… trong sản xuất.

Bên cạnh đó, do thời tiết diễn biến thất thường nên ngành cũng yêu cầu nông dân chú trọng các biện pháp phun xịt phòng trừ dịch hại, tăng cường thăm đồng và bón phân, chăm sóc lúa trong thời gian này để vụ sản xuất hiệu quả hơn. Các chi cục chuyên môn liên quan thường xuyên thăm đồng, phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng; theo dõi việc điều tiết nước tưới, tình hình sản xuất, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên cây trồng.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
;
.