.

Phân bổ ngân sách công khai, tránh cơ chế xin-cho

Cập nhật: 20:44, 19/12/2022 (GMT+7)

Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước. Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách Nhà nước lớn năm 2022. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh nộp ngân sách Nhà nước lớn năm 2022. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận chuyển hàng đến nơi tiêu thụ.

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt

Năm 2022, ngành tài chính thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính-NSNN. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn hơn 233 ngàn tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm.  

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách đạt kết quả tích cực. Tổng thu NSNN trên địa bàn 109.800 tỷ đồng, đạt 153,4% so với dự toán, trong đó thu NSNN phần nội địa chiếm tỷ trọng lớn - 45.000 tỷ đồng, đạt 129,8% so với dự toán.

Năm 2023, tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ước 88.591 tỷ đồng, bằng 101,5% so với dự toán Trung ương giao. Tổng dự toán chi ngân sách địa phương ước hơn 27.140 tỷ đồng, bằng 120,5% so với dự  toán. 

Quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm

Trong công tác điều hành chi NSNN, Bộ Tài chính đã giao dự toán kịp thời ngay từ đầu năm để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện. Đến ngày 15/12/2022, chi NSNN đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.

Năm 2022, tổng chi ngân sách của Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 25.974 tỷ đồng, đạt 95,0% so với dự toán, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách tỉnh hơn 13.970 tỷ đồng, đạt 95,12% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân năm 2021; bảo đảm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 ngàn tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách; yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2023, ngành tài chính tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của ngành tài chính. Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm 2023.

Theo đó, ngành tài chính và Bộ Tài chính xây dựng các nhiệm vụ, mục tiêu tài chính-NSNN; ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi; cơ cấu lại NSNN; giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực hợp lý; phát triển nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư cho phát triển, tập trung cho các động lực tăng trưởng; theo dõi thị trường giá cả, ổn định giá cả để nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, DN; chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; nghiên cứu thị trường để đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác tài chính-ngân sách, không để những vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; đề nghị Bộ Tài chính thiết kế tiêu chí, tiêu chuẩn phân bổ ngân sách công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin-cho; tất cả phải vì lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.