.

Hàng Tết sẵn sàng nhưng sức mua chưa tăng

Cập nhật: 18:46, 18/12/2022 (GMT+7)

Thời điểm này, tiểu thương chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh nhập hàng nhiều hơn so với ngày thường để phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, trái với mong đợi thì hiện nay người tiêu dùng có tâm lý chưa vội... sắm Tết.

Người dân mua sắm tại chợ Bình Giã, huyện Châu Đức.
Người dân mua sắm tại chợ Bình Giã, huyện Châu Đức.

Hàng Tết đầy ắp trên kệ

Tại Trung tâm thương mại Ngãi Giao (huyện Châu Đức), những quầy sạp kinh doanh mặt hàng Tết như bánh mứt, nhu yếu phẩm đã đầy ắp trên kệ. Theo các tiểu thương, thời điểm này lượng hàng phục vụ thị trường Tết tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.

Bà Trương Thị Minh Trúc, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại Trung tâm Thương mại Ngãi Giao cho biết, nhóm hàng được nhập tăng so với ngày thường chủ yếu là bánh kẹo, mứt, nước giải khát, nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, nước tương. “Chuẩn bị cho yên tâm vậy thôi chứ chợ vắng lắm! Giờ cũng chưa ai sắm Tết cả”, bà Trúc cho hay. 

Trong khi đó, mặt hàng khô để làm nguyên liệu gói giò chả, bánh chưng... cũng được các tiểu thương trưng bày nhiều hơn, hoặc đặt hàng các đầu mối để dành đến cận Tết, phục vụ cho người tiêu dùng khi nhu cầu tăng cao hơn. “Mặt hàng khô tôi đều lấy ở các cơ sở sản xuất uy tín, được công nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Dung, kinh doanh các mặt hàng khô tại Trung tâm Thương mại Ngãi Giao nói.

Cơ quan chức năng giám sát việc kinh doanh hàng hóa Tết tại chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc.
Cơ quan chức năng giám sát việc kinh doanh hàng hóa Tết tại chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc.

Còn tại chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc, bà Phạm Thị Thu Hồng, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ cho biết, ngay từ đầu tháng 11, bà đã liên hệ với các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. “Hiện hàng Tết không thiếu thứ gì và chủ yếu là hàng Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Giá cả năm nay tăng khoảng 5%. Nguyên nhân là do đơn vị sản xuất tăng chi phí sản xuất, nhân công”, bà Hồng chia sẻ.

Vắng khách mua

Trái ngược với 3-4 năm trước đã có khách hàng lai rai sắm Tết thì khoảng 2 năm trở lại đây, người dân không vội mua sắm Tết sớm. Nhiều tiểu thương cho biết, chợ chủ yếu người bán, khách mua rất ít, có khi cả ngày không bán được gì.

Bà Phan Thị Thu Thảo, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc cho biết, những năm trước, thời điểm này tiểu thương nào cũng trữ hàng với số lượng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nhưng hiện nay, sức mua rất yếu.

“So với cùng thời điểm năm trước thì sức mua giảm đến 50%. Người đi chợ không có nên tiểu thương chúng tôi cũng không dám trữ hàng như mọi năm, chỉ nhập cầm chừng đủ bán trong vài ngày, hết mới lấy thêm. Hy vọng 2 tuần nữa tình hình sẽ khá hơn, nhưng chắc chắn không bằng các năm trước, chỉ cần được 70-80% là mừng lắm rồi”, bà Thảo nói.

Ghi nhận cho thấy, giá thực phẩm tết năm nay tương đối bình ổn. Những mặt hàng được tiêu dùng nhiều vào dịp Tết như bí ép giá 90.000 đồng/kg, mứt gừng từ 100.000-120.000 đồng/kg, nho khô loại lớn 180.000 đồng/kg, hạt dẻ lớn 320.000 đồng/kg, hạt hướng dương 80.000 đồng/kg, hạt dưa 150.000 đồng/kg.

Theo ông Lê Khải Hoàn, Phó Ban Quản lý chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc, hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết như thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, giày dép, thủ công mỹ nghệ đã được tiểu thương bắt đầu nhập về. Ban quản lý chợ cũng đã sắp xếp, bố trí quầy sạp và tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiểu thương kinh doanh trong dịp Tết. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quản lý, kiểm tra để bảo đảm bình ổn thị trường cũng như an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng khi mua sắm tại chợ.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.