Người trồng hoa Châu Đức kỳ vọng vào vụ Tết

Thứ Hai, 26/12/2022, 20:06 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Những ngày này, nông dân tại các địa phương trong huyện Châu Đức đang tất bật chăm sóc vụ hoa Tết.

Anh Trần Nguyên Hiến, ở thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành cùng nhiều nhân công đang tất bật chăm sóc các chậu hoa cúc để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.
Anh Trần Nguyên Hiến, ở thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành cùng nhiều nhân công đang tất bật chăm sóc các chậu hoa cúc để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Trên diện tích hơn 4 sào, ông Trần Nguyên Hiến, ở thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành cùng nhiều nhân công đang tất bật chăm sóc các chậu hoa để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Năm nay, kinh tế đã có nhiều khởi sắc, người trồng hoa mạnh tay tăng quy mô sản xuất. Vụ này, ông Hiến xuống giống hơn 600 chậu cúc đại đóa và gần 10.000 chậu hoa các loại như: dạ yến thảo, đồng tiền, cúc, bông thọ, mồng gà… số lượng cũng tăng gấp rưỡi so với vụ hoa Tết năm ngoái.

“Để có được 1 chậu hoa đẹp nở đúng dịp Tết, người trồng phải kỹ lưỡng từng công đoạn, như: Ươm cây, vun tưới, bón phân, cắm cọc, tỉa nụ, phòng bệnh... Không chỉ vậy, còn phải thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp che chắn, chong đèn điều tiết ra hoa phù hợp”, ông Hiến nói.

Cũng theo ông Hiến, năm nay, tất cả chi phí đầu vào như: giống, phân bón, chậu, nhân công… đều tăng, nên giá bán hoa Tết năm nay cũng phải tăng khoảng 20%. Cúc đại đóa có giá bán từ 300 ngàn đồng/cặp (chậu loại 35cm) đến 10 triệu đồng/cặp (chậu có đường kính trên 1,5m); các loại hoa khác có giá bán từ 35 ngàn đồng – 100 ngàn đồng/chậu.

Cách đó không xa, ông Phạm Thanh Minh, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành cũng đang chăm sóc, tỉa cành, lá, điều chỉnh dáng, thế hơn 100 chậu bonsai các loại. Với kinh nghiệm hơn 30 năm chơi bonsai, ông Minh chú ý các loại mai vàng, cây me, cây tùng, sứ thái, linh sam, kim quýt, vú sữa… bởi những năm gần đây, nhu cầu chơi bonsai được người dân khá ưa chuộng. Ông Minh vui vẻ bật mí: Cách đây chừng nửa tháng, ông đã bán cây me khoảng 50 tuổi cho một khách ở Bà Rịa với giá 70 triệu đồng.

Để cây kiểng ra dáng đẹp, ngoài yếu tố thời gian uốn nắn, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, người chơi cây kiểng phải biết thuận theo dáng tự nhiên của cây, tạo những dáng kiểng độc, lạ để có giá trị kinh tế cao. Trong vườn bonsai của ông Minh, cây kiểng có giá từ 5 triệu đồng từ sứ thái, giấy, tùng… đến 450 triệu đồng/gốc me.

Tại xã Xuân Sơn, nhiều hộ trồng hoa Tết cũng đang tất bật chỉnh lại chậu, cây chờ thương lái về vận chuyển đi. Ông Nguyễn Quang Việt, ở thôn Sơn Hòa, xã Xuân Sơn cho biết, năm nay, gia đình trồng tăng 30% so với vụ hoa Tết năm 2022, với hơn 4.000 chậu: mồng gà, cúc, vạn thọ…  hiện tại thương lái đã đặt mua hết. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

“Gia đình tôi gắn bó với nghề trồng hoa đã hơn chục năm. Mấy tháng nay, dù thời tiết có nhiều biến động, nhưng với kinh nghiệm chăm sóc hoa, tôi tự tin cho ra thị trường những sản phẩm hoa tươi đẹp nhất, nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Một trong những loài hoa được thị trường ưa chuộng nhất trong dịp Tết là hoa cúc, bởi hoa có màu vàng tươi, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh nên khi lên chậu sẽ sum suê, đều đặn, tượng trưng cho sự sum vầy, hạnh phúc. Do chi phí sản xuất năm nay tăng so năm trước, nên dự kiến giá bán cao hơn một chút”, ông Việt cho biết.

Trên địa bàn huyện Châu Đức có khoảng 30 hộ dân trồng hoa, cây kiểng, tập trung chủ yếu ở các xã Láng Lớn, Xuân Sơn, Nghĩa Thành… Ngoài việc trồng hoa cung ứng cho dịp Tết cuối năm, một số hộ còn trồng hoa quanh năm để bán cung cấp cho các vựa hoa tại các chợ đầu mối trong tỉnh. Năm nay, thương lái các nơi đã về đặt hàng nên người trồng hoa Tết ai cũng phấn khởi.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẮNG – VĂN TRUNG

 

;
.