Kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu tăng trưởng mạnh mẽ
Sau rất nhiều nỗ lực, kết thúc năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu đã gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nổi bật là thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đặt ra, nhiều dự án quy mô lớn “đổ bộ” vào tỉnh.
Nhà máy tiện ích trung tâm, hạng mục quan trọng tại dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). |
Thu hút đầu tư khởi sắc
Cuối tháng 11/2022, trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8,4 tỷ USD.
Trong số này có những dự án FDI quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD như: dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II-Tổ hợp Hóa dầu miền Nam của The Siam Cement Public Company Limited, tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD; dự án sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD của Công ty Earth Vision.
Như vậy, năm 2022, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tổng vốn đăng ký quy đổi khoảng 2,07 tỷ USD.
Với hàng tỷ USD vốn đầu tư đổ vào Bà Rịa-Vũng Tàu minh chứng cho hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua. Thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ tư cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký đến nay đạt gần 33 tỷ USD.
Cũng trong năm 2022, nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại đi vào hoạt động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Nổi bật là dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (LSP). Dự án được khởi công xây dựng tháng 2/2018 do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD.
Trải qua 4 năm thi công xây dựng, đến nay tiến độ tổng thể của dự án đã đạt 97%, giải ngân được 4,4 tỷ USD. Hiện dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động 3 hạng mục quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ vận hành cho toàn bộ tổ hợp, bao gồm: cụm cảng, bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm.
Ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc LSP cho biết, đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm 1 nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp có quy mô công suất tầm cỡ thế giới và các nhà máy sản xuất hạ nguồn cùng các hạng mục phụ trợ đều sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay.
Năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) trên địa bàn tỉnh tăng 8,1% so với năm 2022; thu ngân sách Nhà nước đạt 88.591 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương đạt 27.140 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 58.827 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 8.231 USD; giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 9,24%; giá trị xuất khẩu (trừ dầu khí) tăng 11,23%; giá trị nhập khẩu tăng 11,32%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,02%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,05%; giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 3,18%;… |
Tăng trưởng 2 con số
Trong năm 2022, có 35/38 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, GRDP đạt 2 con số với 10,97%, tổng thu ngân sách đạt gần 110 ngàn tỷ đồng-mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, chỉ còn 1,6% hộ nghèo theo chuẩn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm, dù còn khó khăn nhưng kinh tế vẫn có nhiều điểm sáng. Trong đó, một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: GRDP đầu người (trừ dầu khí) đạt 7.611 USD/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 10,47% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 137,37% so cùng kỳ.
Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu như: đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận, dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo.
Năm 2023, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, gồm: đề án phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; xây dựng Đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và triển khai các nhiệm vụ để sớm hình thành khu thương mại tự do.
Xác định hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ là động lực thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, do đó năm 2023, tỉnh cũng dồn nguồn lực tập trung triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để nâng cao năng lực cảng Cái Mép-Thị Vải; khởi công các công trình giao thông trọng điểm như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển 994, đường Vành đai 4.
Tại cuộc họp giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt và bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu đã được giao; tạo cú hích lớn trong giải quyết công việc theo lĩnh vực chuyên môn; tập trung nguồn lực cho việc thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm; tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả về cải cách thủ tục hành chính.
NGÔ GIA