Ưu tiên nguồn lực tín dụng cho người nghèo
Ngày 29/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.
NHCSXH giải ngân vốn vay cho người dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. |
Tăng trưởng bình quân 21,4%/năm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua 20 năm triển khai Nghị định 78 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị.
Nguồn vốn tín dụng tăng trưởng ổn định. Tính đến hết tháng 11/2022, đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tăng trưởng bình quân 21,4%/năm. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với nguồn vốn nhận ủy thác đến nay đạt gần 30 ngàn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 ngàn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 ngàn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với doanh số cho vay gần 18 ngàn tỷ đồng cho gần 280 ngàn lượt khách hàng.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, bảo đảm mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022).
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 13 chương trình theo chỉ định của Chính phủ và UBND tỉnh, tăng 10 chương trình so với ngày thành lập (2002). Tính đến ngày 27/12, tổng nguồn vốn tại NHCSXH hơn 4.218 tỷ đồng, tăng 447,6 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng gần 3.770 tỷ đồng/74.831 hộ, tăng 504 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 15,5% so với đầu năm, đạt 99,95% nguồn vốn Trung ương và tỉnh giao, hoàn thành 99,7% kế hoạch tăng trưởng. Dư nợ bình quân đạt 50 triệu/hộ vay vốn và đạt 40.104 triệu đồng/cán bộ.
Từ khi triển khai chương trình cho vay các DN để trả lương cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 126/NQ-CP, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 30 DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với tổng số tiền 126,6 tỷ đồng/11.556 lao động/31.551 lượt lao động được vay. Đã cho vay các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP gần 451 tỷ đồng.
Năm 2022 nguồn vốn ủy thác tỉnh, huyện đã chuyển sang NHCSXH tỉnh là 165,5 tỷ đồng, tăng 1.278 tỷ đồng kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40. Tất cả các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn được bố trí bảo đảm thuận lợi, an toàn.
Triển khai kịp thời chương trình chính sách tín dụng
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu NHCSXH tiếp tục tổ chức, triển khai kịp thời các chương trình chính sách tín dụng, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn dành cho hộ nghèo. Qua đó, tạo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước; tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và những đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH.
Bài, ảnh: NHẬT MINH