Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng Tết

Thứ Ba, 27/12/2022, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết. Đáng chú ý, tỷ lệ hàng Việt năm nay vẫn chiếm ưu thế.

Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị chiếm từ 80-90% tổng lượng hàng hóa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.
Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị chiếm từ 80-90% tổng lượng hàng hóa. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu.

Người tiêu dùng ưu tiên chọn hàng Việt

Chị Trần Thu Hằng, nhà ở phường 10, TP. Vũng Tàu vừa đẩy xe hàng đầy ắp nào bánh kẹo, thực phẩm, hàng tiêu dùng như dầu ăn, bột ngọt, hạt nêm… đến khu vực tính tiền, vừa vui vẻ cho biết, tranh thủ cuối tuần chị đi mua sắm chuẩn bị cho Tết Dương lịch 2023. “Hàng hóa mua cho dịp Tết Dương lịch cũng đủ dùng thôi, vì  việc mua sắm đã dễ dàng hơn thời điểm năm ngoái. Tôi chủ yếu chọn hàng Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mà đẹp”, chị Hằng nói.

Còn anh Nguyễn Minh Phương, nhà ở phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu cũng đã bắt đầu mua sắm chuẩn bị Tết cho gia đình. “Tôi đã chọn được một số mặt hàng như thực phẩm, hoa quả chuẩn bị cho năm mới. Gia đình tôi thường ưu tiên sử dụng các mặt hàng do các DN trong nước sản xuất vì chất lượng, mẫu mã không thua gì hàng ngoại nhập mà giá lại mềm hơn”, anh Phương cho biết thêm.

Mặc dù các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam tham gia đã đặt các DN và hàng hóa Việt Nam trong sự cạnh tranh gay gắt nhưng tỷ lệ hàng Việt ngày càng phủ sóng mạnh mẽ tại các hệ thống phân phối. Sản phẩm đã có tên tuổi và uy tín, chất lượng, trở thành thương hiệu thân quen như: Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên chiếm ưu thế tại các siêu thị và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn cho giỏ quà Tết.

Hàng Việt chiếm hơn 80%

Chị Bùi Minh Diệu, quản lý Siêu thị Ngày mới (huyện Châu Đức) cho biết, hiện nay trên các kệ hàng hóa Tết có đến 80% là hàng Việt Nam, trong đó nhóm hàng Việt Nam được siêu thị ưu tiên nhập tăng từ 1,5-2 lần so với ngày thường là gia vị, nhu yếu phẩm, bánh kẹo và đều là hàng hóa do DN trong nước sản xuất. Các thương hiệu được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn như Bibica, Cholimex, Chinsu…

Còn tại Siêu thị GO! Bà Rịa, 90% doanh số đến từ hàng sản xuất trong nước. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ. Cùng đó, siêu thị cũng thúc đẩy thu mua và bán các loại nông sản, thủy sản, thực phẩm tại địa phương.

Trong khi đó, tại các siêu thị Co.opMart trên địa bàn tỉnh, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” nên có đến trên 90% hàng hóa đang bán tại hệ thống siêu thị Co.opMart là sản phẩm Việt Nam. Hơn nữa, hệ thống siêu thị luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, GlobalGap.

Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng chiếm ưu thế trong cơ cấu hàng hóa. Chị Phan Thị Thu Thảo, tiểu thương kinh doanh tạp hóa tại chợ và bến xe huyện Xuyên Mộc cho biết, hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết năm nay khá dồi dào, trong đó hàng Việt Nam chiếm khoảng 80%.

Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng made in Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý “sính hàng ngoại nhập” của người tiêu dùng. Qua đợt giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa qua tại các chợ, cửa hàng bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 80-95% tổng lượng hàng hóa.

Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hiện nay, hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu; chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm... Bên cạnh đó, các DN sản xuất cũng không ngừng nâng cao chất lượng, đã chú trọng nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng để sản xuất, chế biến các sản phẩm chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập nhưng giá bán rẻ hơn sản phẩm nước ngoài nhập khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.