Nhờ tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN thủy sản đã mở rộng thị trường, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng tăng trưởng ổn định.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
Hợp đồng xuất khẩu ổn định
Những ngày này, công nhân các DN chế biến thủy sản đang hối hả làm việc, để kịp chuẩn bị hàng xuất khẩu cho các hợp đồng đã ký kết. Đây là không khí lạc quan trong bối cảnh, thời gian qua, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển của ngành chế biến thủy sản tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood) cho biết, công ty đang sản xuất hàng cuối năm và chuẩn bị nguyên liệu cho các kế hoạch năm 2023. Tính hết quý 3/2022, công ty đã xuất khẩu được 7.500 tấn hải sản, kim ngạch xuất khẩu đạt 57 triệu USD và hoàn thành kế hoạch năm 2022. Trong đó, sản lượng mực và bạch tuộc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tính đến 10 tháng năm 2022 đạt hơn 1.000 tấn, kim ngạch đạt gần 12,4 triệu USD.
Có được kết quả này, theo ông Dũng, một phần nhờ tác động tích cực từ các FTA như CPTPP, RCEP. “Trước đây, mỗi năm, công ty chỉ xuất khẩu được khoảng 5.500-6.000 tấn thủy sản các loại, kim ngạch khoảng 30 triệu USD. Năm 2021, khi các hiệp định FTA như CPTPP, RCEP có hiệu lực, sản lượng thủy sản xuất khẩu đã tăng lên 7.000 tấn và kim ngạch tăng lên 45 triệu USD. Có thể thấy, các FTA đã đem lại nhiều thuận lợi cho các DN sản xuất và xuất nhập khẩu”, ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Dũng để tận dụng được các ưu đãi này, DN cũng phải đầu tư và nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng tăng tỷ lệ chế biến; tìm kiếm các thị trường, đầu tư trang thiết bị máy móc theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, việc các DN xuất khẩu cũng phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của các hiệp định FTA.
“Hiện nay, DN đã có hợp đồng đến tháng 3, 4 năm 2023, vì vậy quý 4/2022, Baseafood đã chuẩn bị nguyên liệu và kế hoạch sản xuất cho năm 2023. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu tăng 7-10% kim ngạch và sản lượng”, ông Trần Văn Dũng thông tin thêm.
Xuất khẩu thủy sản cả nước có thể đạt mức kỷ lục
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến 11 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt hơn 10 tỷ USD, mốc kỷ lục sau 20 năm ngành thủy sản Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới. Kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam có thể cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.
Riêng tại BR-VT, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản là hơn 178 triệu USD. Thị trường xuất khẩu sang các nước trong 10 tháng đã có những tăng trưởng tích cực với các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP nhận định, đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam; đóng góp gần 12% giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số tăng trưởng GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy (2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam). Với kết quả của năm 2022, ước tính thủy sản Việt Nam sẽ chiếm hơn 7% thị phần thị trường thủy sản thế giới.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU