TIN BÀI LIÊN QUAN:
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định, phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, mạnh cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu và du lịch. Đây được xem như là “kim chỉ nam” để Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác tiềm năng, lợi thế để sớm đạt mục tiêu như Nghị quyết đề ra.
Hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư nhằm khai thác thế mạnh kinh tế biển. Trong ảnh: Quốc lộ 56 - Tuyến tránh TP. Bà Rịa. Ảnh: THANH NGA |
Mạnh về kinh tế biển
Nhiều năm qua, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng được ví như “chìa khóa vàng” đưa Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển nhanh, bền vững, trở thành nền kinh tế luôn đứng vào top đầu của cả nước. Với hơn 305km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2 có nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước, 5/8 huyện, thành phố của tỉnh giáp biển; đồng thời là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu với nguồn tài và nguyên thiên nhiên phong phú và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ. Với tiềm năng đó, Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG,
BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Tối ưu hóa nguồn lực và cơ hội phát triển
Với quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực và các cơ hội phát triển. Đồng thời, để tận dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế toàn Vùng, tỉnh luôn xác định 2 nguồn tài nguyên quan trọng sẵn có trong vùng Đông Nam Bộ, đó là thị trường có hơn 18 triệu dân của Đông Nam Bộ (chiếm trên 18% dân số cả nước), với thu nhập cao (GRDP chiếm hơn 32% cả nước; đóng góp trên 44% tổng thu ngân sách; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,5 lần), nguồn nhân lực dồi dào, sức mua lớn so với cả nước. Vùng Đông Nam Bộ sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Đây là lợi thế, là nguồn tài nguyên bền vững quý báu cùng với lợi thế về mặt địa lý của mình để phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trọng tâm là hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ”, thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á, quốc tế và phát triển “Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
|
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, tỉnh đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, nhanh chóng đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn với trọng tải đến 194.000 DWT. Hiện trên địa bàn tỉnh có 48/69 cảng đang hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 155,7 triệu tấn/năm, trong đó có 7 dự án cảng container lớn với công suất 6,8 triệu TEU/năm.
Trong lĩnh vực phát triển du lịch, tỉnh có 3 khu du lịch biển nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải và Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, do đó tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Du khách tắm biển tại khu vực Bãi Sau (TP. Vũng Tàu). |
Tạo động lực phát triển
Hiện, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức giữa cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành, các trung tâm công nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ đang được đẩy mạnh đầu tư.
Tỉnh cũng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương tiện, đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông biển như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4-TP. Hồ Chí Minh, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo... Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển kết nối TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, sân bay Long Thành, Bình Thuận chạy dọc theo bờ biển với tổng chiều dài 76km (qua 6/8 huyện, thị, thành phố của tỉnh), giải quyết điểm nghẽn trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế biển liên hoàn, toàn diện giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế.
Theo lãnh đạo tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang xác định phát triển kinh tế biển phải theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển và hải đảo. Vì vậy, tỉnh đã giao cho các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển những bến cảng thuộc cảng biển của tỉnh, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển theo hướng bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: LAM GIANG