Từ tháng 9/2022 đến nay, các DN ngành dệt may, da giày, điện tử, gỗ… không chỉ gặp khó khi đơn hàng sụt giảm mà những đơn hàng đang sản xuất cũng bị trở ngại do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và giá cả tăng.
Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam (TX. Phú Mỹ) đang gặp khó khăn nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam trong giờ làm việc. |
Đơn hàng giảm 40%
Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may, giày da đang lấy lại đà tăng trưởng với tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ, EU mở cửa trở lại. Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho các DN trong lĩnh vực này mở rộng thị trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, 2 tháng gần đây, đơn hàng lĩnh vực này giảm 40% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 9%. Không chỉ vậy, do một số nguyên phụ liệu khan hiếm từ thị trường nhập khẩu nên giá đầu vào tăng kéo theo chi phí tăng, lợi nhuận thấp. DN đang xoay sở tìm nguồn hàng thay thế nhập khẩu.
Ông Kim Hanbeom, Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Boomin Vina (chuyên sản xuất chăn len và thảm len, trụ sở tại TX. Phú Mỹ) - chủ đầu tư CCN Boomin Vina cho biết, hầu hết các nguyên liệu cần thiết để sản xuất mền đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, khi nguồn cung bị đứt gãy, DN gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Hiện DN đang thiếu nguyên liệu do phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ tại Công ty TNHH sản xuất TM-DV Tiến Dũng (TX. Phú Mỹ). |
Các DN sản xuất chế biến gỗ cũng đang trong tình trạng tương tự. Hiện các đơn hàng phục vụ Tết Dương lịch 2023 đang được tích cực triển khai nhưng DN đang đau đầu vì nguyên liệu khan hiếm. Theo các DN, khó khăn này có thể thay thế bằng cách nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu để thay thế lượng thiếu hụt, song phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều, chẳng hạn như gỗ tăng đến 6 lần/container.
Theo bà Hoàng Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất TM-DV Tiến Dũng (chuyên sản xuất các sản phẩm như bàn, tủ nail..., trụ sở tại TX. Phú Mỹ) cho hay, hiện DN đang thiếu nguyên liệu do hầu hết phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc dẫn đến giá thành tăng cao. Trong khi những hợp đồng mà công ty đã ký thì không thể tăng giá. Đó là khó khăn lớn của DN hiện nay.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng trong tình trạng tương tự. Giá sắt thép hiện cũng tăng cao, cộng với vận chuyển khó khăn, nhiều đối tác, một số quốc gia khác hạn chế hoạt động để chống dịch nên nguồn cung ứng sụt giảm. Điều này dẫn tới giá thành nguyên, vật liệu tăng cao nhưng cũng khan hiếm hơn. Ông Hyo Jin Choi, Phó giám đốc Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2) cho biết, hiện đơn hàng của công ty phủ kín đến cuối năm và cả quý I/2023. Nhưng khó khăn hiện nay là thiếu lao động và nguyên liệu. Do đó, DN đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước
Thông tin từ Sở Công thương cho biết, 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh đạt 6.870 triệu USD, tăng 13,01% so với cùng kỳ. Trong đó nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày da, vải các loại tăng mạnh nhất chiếm 67,81% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Thị trường châu Âu có số sản phẩm nhập khẩu cao, chiếm 5,98% tỷ trọng trong toàn tỉnh, tăng 71,19% so với cùng kỳ. Thị trường châu Mỹ chiếm 15,56% tỷ trọng, tăng 1,43 lần so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu có tăng về giá trị nhưng sản lượng nhập khẩu từng chủng loại ngành hàng đều giảm do giá tăng.
Việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nước ngoài cũng được các nhà quản lý nhìn nhận rõ. Để giải quyết mối lo ngại này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện Sở đang tích cực chỉ đạo các phòng ban chức năng cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... để hỗ trợ giới thiệu cho DN. Đây cũng là giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong nước để bảo đảm chuỗi sản xuất cũng như cung ứng.
Song song đó, các DN cần được sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan chức năng về cơ chế lẫn chính sách, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. “Các khó khăn hiện nay của DN sẽ được giải quyết bằng việc Việt Nam quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ngành nguyên liệu thô là ngành chiến lược mũi nhọn của một quốc gia thì Boomin Vina cũng như các DN khác sẽ giảm mạnh chi phí sản xuất do không phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Có như vậy, về lâu dài, các DN Việt Nam mới có thể từng bước “tự chủ” được nguồn cung sản xuất, phát triển kinh tế bền vững”- ông Kim Hanbeom chia sẻ.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN