Phát triển hồ tiêu theo hướng hữu cơ
Sáng 11/11, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc tổ chức hội thảo mô hình “Sản xuất hồ tiêu hữu cơ” tại ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp. Đây là mô hình hồ tiêu đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Vườn tiêu của gia đình ông Lâm Ngọc Nhâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là mô hình đầu tiên đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. |
Mô hình tiên phong
Mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ do Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc triển khai tại vườn tiêu 5 năm tuổi của ông Lâm Ngọc Nhâm, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp từ năm 2020, trên diện tích 0,5ha và 0,5ha diện tích đối chứng. Mô hình sử dụng giống hồ tiêu Vĩnh Linh đang được trồng phố biến và cho năng suất cao tại địa phương. Trong quá trình triển khai, Trạm đã tiến hành phân vùng hình thành khu vực sản xuất, thiết kế phân khu, đánh mã cây trồng theo ghi chép, theo dõi và lập mã truy xuất nguồn gốc. Đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ ghi chép nhật ký, các công cụ quản lý chất lượng nội bộ...
Bà Ngô Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc, đại diện nhóm thực hiện mô hình cho biết, để bảo đảm các quy định đạt theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhóm đã thực hiện đo chỉ số pH, NPK định kỳ mỗi tháng/lần, trồng cây vùng đệm để cách ly với khu vực xung quanh. Nhóm cũng hướng dẫn nông hộ cách ủ phân chuồng, áp dụng canh tác và vệ sinh vườn sau thu hoạch, quản lý dịch hại theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất thuốc BVTV. Theo bà Hằng, mô hình đang là giai đoạn chuyển đổi từ hình thức canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ. Trong năm thứ nhất, dù chưa ghi nhận sự khác biệt quá rõ rệt sau mỗi lần bón phân, tuy nhiên, đến nay hồ tiêu đã có màu sắc lá xanh và dày hơn, cây khỏe hơn, gié quả dài và hạt đóng nhiều hơn, số trụ vàng trên vườn giảm đáng kế so với năm thứ nhất, dịch hại giảm theo từng năm.
Đại biểu tham quan, học hỏi mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc. |
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, ngoài thực hiện các quy định theo hướng dẫn của đơn vị thực hiện, gia đình ông cũng sử dụng các sản phẩm sản như cá, đậu phộng, thân và quả chuối, rau muống kết hợp với chế phẩm IMO (được làm từ hỗn hợp cám hao, sữa chua lên men, bia, men tiêu hóa...), được ủ để bón hoặc tưới trực tiếp lên cây. Còn về phòng chống dịch hại, ông sử dụng nấm 3 màu hoặc các loại thảo mộc có tính cay, nóng, đắng như ớt, tỏi...tạo thành dung dịch hỗ hợp bổ sung vi nấm ký sinh có hiệu quả cao trong việc phòng và ngăn chặn các loại dịch hại.
Trong năm đầu tiên vườn hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ tuy năng suất thấp hơn so với sản xuất thông thường, song đến năm thứ 3 đã ổn định. Lợi nhuận đạt hơn 152 triệu đồng/ha/năm. “Ưu điểm lớn nhất là cây và đất trồng được ghi nhận các chỉ số khỏe hơn, từ năm thứ 3 trở đi cây sẽ dần ổn định nhờ đó chi phí đầu tư cũng sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, tiêu trồng theo quy trình hữu cơ giá bán cũng tốt hơn so với loại thông thường”, ông Nhâm chia sẻ thêm.
Mở đường cho nông nghiệp hữu cơ
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 999/QĐ-UBND về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Hoài Châu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, theo mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đơn vị đã tiến hành xác định các vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ trên một số cây trồng gồm: Lúa, hồ tiêu, ca cao, rau các loại, cây ăn quả. Đồng thời thực hiện 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 3 loại cây trồng (rau, hồ tiêu và ca cao) với diện tích 1,9ha, sản lượng khoảng 10 tấn/năm, từ đó làm cơ sở xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ được thực hiện tại vườn tiêu của gia đình ông lâm Ngọc Nhâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). |
Trong giai đoạn tiếp theo, Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị thực hiện 10 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên 7 loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản với diện tích 52,2ha, sản lượng khoảng 150 tấn/năm.
Để mở đường cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cùng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC