Đơn hàng giảm, công nhân chật vật
Trước bối cảnh khó khăn khi đơn hàng giảm, thiếu nguyên phụ liệu sản xuất, nhiều nhà máy, DN phải cắt giảm giờ làm khiến thu nhập của người lao động giảm theo.
Đơn hàng giảm đã ảnh hưởng mạnh đến đời sống, thu nhập của công nhân. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Twinke Việt Nam (TX.Phú Mỹ) trong giờ sản xuất. |
Làm việc cầm chừng
Toàn tỉnh có hơn 64.000 công nhân đang làm việc trong các KCN. Tuy nhiên, hiện nhiều DN gặp không ít khó khăn do đơn hàng giảm buộc phải cho lao động nghỉ phép năm hoặc không tăng ca. Hơn 2 tháng qua, tình cảnh giảm việc, giảm thu nhập do nhà máy ít đơn hàng đã tác động mạnh vào đời sống hàng ngàn công nhân. Chị Trương Thị Bảnh, công nhân Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, do công ty thiếu đơn hàng, chị và nhiều công nhân phải làm việc cầm chừng, không tăng ca nên thu nhập giảm hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập giảm mạnh khiến vợ chồng trẻ cùng 2 con nhỏ, đang thuê nhà, phải chi tiêu gói ghém. Chị Bảnh cho hay: “Mấy tháng nay, đơn hàng ít nên không còn tăng ca. Thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi cộng lại chỉ hơn 10 triệu đồng, không đủ chi tiêu sinh hoạt, phải đi vay mượn người thân. Đến giờ tôi vẫn chưa xoay xở được để đóng tiền học cho con, tiền thuê phòng trọ vẫn đang xin chủ nhà cho thiếu. Để tiết kiệm, tôi phải cắt giảm bớt “những khoản linh tinh” và chỉ chi những khoản thật sự cần thiết”.
Chị Võ Thị Danh, công nhân Công ty CP Hải Việt (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, lúc trước thu nhập thường ở mức hơn 8 triệu đồng/tháng. Khoảng 2 tháng nay, thu nhập giảm nên buộc chị phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Để có thêm đồng ra đồng vào, ngày thường chị Bảnh làm việc tại công ty, còn ngày nghỉ chị tranh thủ đi làm thêm, ở đâu cần người là chị tìm đến. “Công việc bấp bênh trong khi chi phí sinh hoạt tăng khiến gia đình tôi xoay xở không nổi. Tình cảnh bắt buộc mình phải tìm việc làm thêm, cố gắng gồng tới đâu hay tới đó. Tôi chỉ mong sang năm, công việc tốt hơn và thu nhập khá hơn để đỡ cực chút”, chị Bảnh thở dài.
Tranh thủ ngày nghỉ và mỗi buổi tối, chị Lê Thị Nhung, công nhân may làm việc tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu) lại đi giúp việc nhà theo giờ. Chị Nhung cho biết, mấy tháng nay xưởng sản xuất ít đơn hàng, chị cũng như nhiều công nhân khác chỉ làm việc cầm chừng nên thu nhập giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng. Khoản tiền lương ít ỏi không đủ trả tiền nhà trọ, lo tiền ăn hàng ngày và đóng tiền học cho 2 đứa con nhỏ, chị Nhung buộc phải tìm việc làm thêm. “Tôi nhờ người quen giới thiệu dùm, mỗi buổi đi giúp việc nhà cũng được gần 300 ngàn đồng. Tuy hơi vất vả nhưng giờ phải ráng để xoay xở lo cho tụi nhỏ vì kinh tế quá khó khăn”, chị Nhung bộc bạch.
Xoay xở giữ việc cho công nhân
Không còn cảnh tuyển dụng lao động ồ ạt như hồi đầu năm, những tháng gần đây các DN chủ yếu duy trì việc làm cầm chừng cho người lao động. Đây cũng là điều khá trái ngược so với những năm trước, dịp cuối năm, các DN ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn tất đơn hàng. Ông Nguyễn Trọng Huy, Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm-Thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, so với cùng kỳ các năm trước, nhu cầu tuyển dụng của DN giảm 20-30%. Mọi năm, thời điểm này các nhà máy rất nhiều đơn hàng, tăng ca thường xuyên, tuyển dụng mạnh, sử dụng thêm lao động thời vụ. Tuy nhiên, năm nay nhiều công ty chỉ cho công nhân làm ca hành chính 8 tiếng hoặc phải cắt lao động do thiếu đơn hàng và nguyên phụ liệu.
Đại diện một số DN cho biết, do ảnh hưởng chung của kinh tế nên đơn hàng ít buộc các nhà máy phải giảm giờ làm. Dù phải hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng nhưng nhiều DN vẫn cố gắng giữ việc làm cho công nhân. Bà Nguyễn Kim Huệ, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất giày Uy Việt cho biết, thời điểm này những năm trước công nhân phải miệt mài tăng ca để kịp hoàn thành đơn hàng cuối năm thì năm nay các chuyền sản xuất chỉ làm việc giờ hành chính do đơn hàng giảm mạnh. “Khoảng hơn 2 tháng nay, công ty không tổ chức tăng ca. Tuy gặp khó khăn do đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn sắp xếp để duy trì việc làm cho công nhân. Ở thời điểm này, công ty đã có kế hoạch chăm lo Tết chu đáo cho công nhân. Năm nay dự kiến thời gian nghỉ Tết của công nhân sẽ kéo dài nhưng vẫn được trả phép năm nên không ảnh hưởng tới thu nhập”.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN
TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Viện Công nhân – Công đoàn cho biết, nhà máy thiếu việc, công nhân không được tăng ca, đời sống khó khăn là điều dễ nhìn thấy. Lâu nay, để sống được người lao động phải làm thêm giờ, ngày làm việc dài 10-12 tiếng. Nhóm ngành công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, gỗ chủ yếu dựa vào sức lao động, gia công là chính. Khi thị trường thế giới biến động, hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng. Hiện, các nhà máy bám khá sát lương tối thiểu để xây dựng mức lương cho 8 tiếng làm việc chính thức. Theo bà Lan, để người lao động sống được mà không phải phụ thuộc vào tăng ca cần thiết phải thay đổi quan điểm lương tối thiểu là lương đủ sống và cần có lộ trình để đạt được. Phải nhìn nhận thực tế, công nhân vẫn còn mong muốn tăng ca để đạt mức lương đủ sống thì chính sách về tiền lương vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, chưa thực sự bảo vệ người lao động. |