.

Làng chài sốt sắng xóa "thẻ vàng" EC

Cập nhật: 18:44, 09/11/2022 (GMT+7)

Trở lại cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ), chúng tôi gặp nhóm ngư dân đang rôm rả chuyện "thẻ vàng, thẻ đỏ" trong thời gian chờ tàu ra khơi. Rõ là cái quy định IUU đã dần trở nên quan trọng với họ. Kể từ khi hải sản đánh bắt của Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ vàng, ngư dân coi như đó là việc của nhà mình. Ai cũng sốt sắng.

Cán bộ Chi cục Thuỷ sản tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về các quy định trong chống đánh bắt bất hợp pháp.
Cán bộ Chi cục Thuỷ sản tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về các quy định trong chống đánh bắt bất hợp pháp.

Thay đổi cách làm

"Thời gian qua, bộ đội biên phòng gặp miết. Rồi cả BQL cảng cá. Thành ra, người theo nghề cá ở Lộc An ai cũng đều biết chuyện thẻ vàng, thẻ đỏ", ông Nguyễn Văn Tám, chủ phương tiện hành nghề lưới kéo ở xã Lộc An kể.

Là một ngư dân với trên 30 làm nghề đánh bắt, khi nói đến quy định IUU, ông Tám rất quan tâm và lo lắng. Có các lớp tập huấn về quy định đánh bắt thủy sản ở địa phương, ông đều cố gắng sắp xếp tham gia. Rồi ông thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của BQL cảng cá: từ chuyện ghi nhật ký khai thác, đến việc cẩn thận kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước mỗi chuyến ra khơi.

“Ngư dân giờ phải thay đổi, làm gì cũng phải đúng quy định”, ông Tám thật thà.

Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Giám đốc Cảng cá BR-VT cho biết: Hiện nay, ngư dân về cơ bản đã nhận thức rõ về IUU. Việc giám sát hành trình tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ lúc lên cảng đến khi vào nhà máy được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, việc rà soát, quản lý theo dõi tàu cá, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản cũng được thực hiện chặt chẽ hơn. Công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm cũng được BQL cảng cá thực hiện theo đúng yêu cầu, quy định của EC.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức về quy định vùng đánh bắt trên biển. Trong ảnh: Vận chuyển cá sau chuyến ra khơi của ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức về quy định vùng đánh bắt trên biển. Trong ảnh: Vận chuyển cá sau chuyến ra khơi của ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền.

Khai thác hợp pháp và an toàn

Huyện Long Điền có 2.290 tàu cá, trong đó 1.228 tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Đây có thể coi là địa bàn trọng điểm về việc tuyên truyền, quản lý về chống đánh bắt bấp hợp pháp.

Ông Nguyễn Kim Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết, các đơn vị, địa phương đã vào cuộc để nâng cao nhận thức của ngư dân về Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về chống khai thác IUU.

Huyện đã thành lập các tổ đội tuyên truyền cho ngư dân tại các âu tàu, cảng cá. "Có khi phải tranh thủ gặp mặt, ăn sáng cùng ngư dân để nắm bắt tâm tư, nguyên vọng. Kết hợp tuyên truyền thường xuyên qua loa phát thanh... Địa phương cũng cho chủ tàu ký cam kết không khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Nhờ vậy, ý thức của ngư dân về đánh bắt hợp pháp đã được nâng cao", ông Phúc cho biết.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương thực hiện các yêu cầu mà đoàn kiểm tra EC đã làm việc với Chính phủ. Theo đó, để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản có hiệu quả lâu dài, ngành tiếp tục thực hiện kiểm tra kỹ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và khai thác vận hành các hệ thống giám sát; xử lý các tàu cá bị cảnh báo, các tàu cá mất liên lạc kết nối.

Song song với đó là vấn đề môi trường, an ninh trật tự khu vực cảng phải được đảm bảo, vệ sinh sạch sẽ… nhằm hướng đến khai thác thủy sản đúng quy định, truy xuất nguồn gốc hợp pháp cho cả sau này, đảm bảo phát triển ngành khai thác thủy sản hợp pháp và an toàn.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Làm việc với đoàn kiểm tra EC vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, chính sách và định hướng của Việt Nam là khuyến khích ngư dân đăng ký ngành nghề khai thác thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Việt Nam đang rất tích cực triển khai hoạt động bảo tồn biển, thả giống, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; triển khai cấp hạn ngạch giấy phép khai thác, đã có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn để từng bước giảm cường lực khai thác cân bằng với nguồn lợi thủy sản. Việt Nam đã và đang nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của EC đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm, có kiểm soát. Việt Nam khẳng định lại cam kết mạnh mẽ và thể hiện nỗ lực của các cấp quản lý cùng với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, chấm dứt và tiến tới loại bỏ tình trạng khai thác IUU.

 

.
.
.