.

Ưu đãi và cam kết xanh sẽ hút dòng vốn châu Âu

Cập nhật: 18:45, 09/11/2022 (GMT+7)

Ngày 9/11, tại KCN Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ), Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức hội thảo “Vai trò của Bà Rịa - Vũng Tàu trong chuỗi cung ứng thượng nguồn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. 

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Philippe Fouet, Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tham dự hội thảo
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Philippe Fouet, Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tham dự hội thảo

Cần cải thiện hạ tầng và chú trọng phát triển bền vững

Hội thảo có sự tham dự của ông Philippe Fouet, Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng 24 DN, nhà đầu tư từ châu Âu, đặc biệt là các nhà đầu tư Pháp.

Đánh giá về tiềm năng cũng như các cơ hội đầu tư tại tỉnh, ông Philippe Fouet đã rất ấn tượng khi thăm KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và các dự án lớn đã triển khai cũng như các dự án sẽ được thực hiện trong thời gian tới.

“Nằm trong nhóm các địa phương năng động nhất của Việt Nam, với mức thu hút đầu tư lên đến 33 tỷ USD, Bà Rịa- Vũng Tàu là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, trong đó có các DN của Pháp”, ông Philippe Fouet nhấn mạnh.

Chia sẻ về giải pháp thu hút đầu tư, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho rằng, để tiếp tục thu hút đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư với các ưu đãi hấp dẫn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng xanh và bền vững trong khu vực, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26, được tái khẳng định trong COP27 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc).

Phát triển xanh cũng là mục tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự và phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh cũng phấn đấu sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải carbon dioxide về trạng thái trung tính “net-zero”.

“Tỉnh sẽ phát triển dựa trên 5 trụ cột kinh tế, nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực trọng tâm như: phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thuỷ sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Các trụ cột phát triển có mối liên kết nhau cho sự phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và KCN, trong đó có KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.

Giới thiệu thêm về môi trường đầu tư của tỉnh trong việc thu hút dòng vốn FDI, vai trò của tỉnh trong chuỗi cung ứng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết,  các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Âu hiện đang chiếm khoảng 15% nguồn vốn đầu tư FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh (1.896 tỷ USD/12,609 tỷ USD) với 43/271 dự án. Trong đó, Pháp là quốc gia Châu Âu hiện đang đầu tư 3 dự án với vốn đầu tư 484,4 triệu USD, đứng thứ 2 sau British Virgin Islands;  điển hình là dự án Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 của Công ty năng lượng Mê Kong với vốn đầu tư đăng ký 480 triệu USD.  

“Với lợi thế nằm ở trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà  Rịa- Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững ngành công nghiệp. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ cao, hiện đại, có tính lan tỏa”, ông Nguyễn Anh Triết nói.

Về phát triển hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Sở GT-VT Lương Anh Tuấn cho biết, hiện tỉnh đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp thực hiện các Dự án trọng điểm bao gồm cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, cầu Phước An kết nối đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, nạo vét các luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển. Tỉnh cũng đã triển khai lập quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ quy mô diện tích 1.686,73ha.

Trong tương lai gần, hệ thống cảng biển, KCN và dịch vụ trên địa bàn tỉnh sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt.

Trong khuôn khổ hội thảo, có 24 DN và Nhà đầu tư Pháp đã tham quan tại các KCN, cảng biển của Bà  Rịa - Vũng  Tàu. Đây là cơ hội để tỉnh quảng bá thêm hình ảnh, là vùng hấp dẫn phát triển công nghiệp nhờ vị trí địa lý chiến lược và cơ sở hạ tầng chất lượng cao kết hợp với hệ sinh thái chuỗi cung ứng đồng bộ (cảng Cái Mép - Thị Vải) cũng như những lợi thế thu hút đầu tư tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. 

 Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.