May mặc khó "thừa thắng, xông lên"

Thứ Hai, 24/10/2022, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1 đến tháng 10/2022, Việt Nam xuất siêu 7 tỷ USD, trong đó ngành dệt may là một trong 4 lĩnh vực xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Quý 4 là thời điểm ngành dệt may sẽ tăng tốc xuất khẩu nhưng các DN lại đang đối mặt nhiều khó khăn do nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng… Liệu các DN có đủ sức thừa thắng, xông lên?

Đơn hàng sụt giảm, lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao khiến các DN may mặc gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH LT Garments trong giờ sản xuất.
Đơn hàng sụt giảm, lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao khiến các DN may mặc gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH LT Garments trong giờ sản xuất.

Nhu cầu từ thị trường truyền thống đang giảm

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) cho biết, từ sau dịch COVID-19 đến nay, thị trường xuất khẩu may mặc có nhiều khởi sắc, vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng phục hồi. Tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 triệu USD. Những tháng còn lại, DN đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm.

Tuy nhiên, trong quý 4/2022 do lạm phát ở các nước tăng cao, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cộng với người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên nhiều DN may mặc bị giảm, thậm chí không có đơn hàng lớn.

Theo ông Quý, thông thường, quý 4 là thời điểm công ty phải tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng cho đối tác nước ngoài, nhưng năm nay, lượng đơn hàng của khách hàng nước ngoài truyền thống giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

“Nếu như mọi năm, lượng đơn hàng trong quý 4 chiếm khoảng 40% tổng hàng hóa xuất khẩu cả năm thì năm 2022, dự báo chỉ khoảng 20%. Không chỉ khó khăn do đơn hàng sụt giảm mà DN còn gặp khó khăn do thiếu lao động có tay nghề. Sang năm 2023, tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, ngoài khách hàng xuất khẩu chính, DN sẽ tìm thêm thị trường trong và ngoài nước với những mặt hàng chiến lược ít nhà sản xuất làm để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến mục tiêu doanh thu năm 2023 sẽ bằng năm 2022, khoảng 1,5 triệu USD”, ông Quý cho biết.

Xuất siêu hơn 7 tỷ USD là mức kỷ lục ghi nhận tại một thời điểm trong năm
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,1 tỷ USD, tính chung từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 296,337 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD, tính chung từ đầu năm đạt gần 289,1 tỷ USD. 
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 585 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư kỷ lục với con số xuất siêu hơn 7 tỷ USD. 
Nửa đầu tháng 10 có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 3 nhóm hàng tỷ USD còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (1,84 tỷ USD); dệt may (1,28 tỷ USD).
Một tín hiệu tích cực nữa, đó là tốc độ tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn 100% trong nước đã gần bằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Giá nguyên liệu tăng mạnh

Ông Nguyễn Phước Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty may mặc Hikosen Cara cho biết, ngoài sụt giảm đơn hàng, DN phải tính toán lại các khâu để tiết kiệm chi phí sản xuất do chi phí vận chuyển cho khách hàng nước ngoài tăng cao, giá nguyên liệu tăng và lượng hàng tồn kho của khách hàng khá xao.

Ông Khánh phân tích, mặc dù 90% nguyên liệu được mua từ trong nước nhưng tính đến nay, giá nguyên liệu đã tăng khoảng 20%. Giá nguyên liệu tăng khiến giá thành phẩm cũng tăng theo, DN buộc phải điều chỉnh giá thành phẩm nên ảnh hưởng đến đơn đặt hàng. Trong khi đó, do lượng hàng tồn kho của khách hàng còn nên mức đặt hàng ít đi.

“Công ty phải nỗ lực để vừa phát triển thị trường trong nước vừa duy trì xuất khẩu. Với thị trường trong nước, công ty sẽ nghiên cứu để mở lại những điểm phân phối đã đóng cửa để mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng tinh gọn sản xuất, tiết giảm các công đoạn sản xuất để giúp nâng cao chất lượng với giá thành tốt nhất, qua đó tăng đơn hàng”, ông Khánh cho hay.

Ông Nguyễn Đình Bình, trợ lý giám đốc Công ty TNHH May mặc Thăng Long thông tin thêm, mặc dù đang hoạt động ổn định, nhưng công ty cũng gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng do biến động giá xăng dầu. So với năm ngoái, đến thời điểm này đơn hàng của công ty giảm 30-40%. 

Công nhân Công ty TNHH may mặc Thăng Long trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH may mặc Thăng Long trong giờ sản xuất.

Hỗ trợ tiếp cận thị trường mới

Cùng với áp lực lạm phát, chi phí vận tải biển và giá các loại nguyên liệu tăng... là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.

Do vậy, những tháng cuối năm ngành công thương sẽ tập trung hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, các DN cũng cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
;
.