Đầu tư công nghệ giúp giải bài toán về lao động
Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại, xem đây là chìa khóa quan trọng để làm ra các sản phẩm chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đồng thời giải quyết được bài toán về nguồn lao động.
Hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại tại Nhà máy Bia Heineken Vũng Tàu. |
Máy móc thay sức người
Cuối tháng 9/2022, dự án Nhà máy bia Heineken Việt Nam Vũng Tàu đã chính thức đi vào hoạt động. Với 4 dây chuyền đóng lon, tốc độ đạt 130 ngàn lon/giờ, bình quân mỗi ngày nhà máy có thể xuất xưởng 12 triệu lon bia. Toàn bộ khu vực sản xuất và đóng gói chỉ cần 5 kỹ thuật viên làm việc/ca.
Ông Alexander Koch, Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho biết, so với các dự án cũ, nhà máy này đã được đầu tư, nâng cấp thiết bị, máy móc hiện đại nhất. Phần lớn các bước trong quy trình sản xuất bia, từ nhập nguyên liệu, nấu, lên men đến lọc bia đều được tự động hóa. Nhờ vậy, đây là nhà máy bia Heiniken năng suất nhất trên toàn thế giới, trong khi tổng số lao động chỉ có 200 người.
Nhà máy CJ Feed Ingredient Việt Nam thuộc Công ty TNHH Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi CJ Việt Nam. Nhà máy sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có công suất khoảng 22 ngàn tấn/năm, được đánh giá có công suất lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Ông Park Sung Gon, Tổng Giám đốc cho biết, Công ty chỉ sử dụng 70 lao động nhờ tất cả các dây chuyền sản xuất đều tự động hóa. Nhiều công đoạn của nhà máy đã dùng đến các cánh tay robot với độ linh hoạt và chính xác cao. Khâu kiểm tra kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện bằng máy móc. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm của công ty luôn bảo đảm, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Theo các DN, xu thế tự động hóa trong sản xuất là điều tất yếu không chỉ ở các DN công nghệ cao mà hiện nay một số công ty chuyên gia công, may mặc, giày dép, cơ khí… cũng đang từng bước tự động hóa. Điển hình là khâu đo và cắt vải đều được tự động hóa bằng công nghệ cắt laser. Một lần cắt có thể ra từ hàng trăm mảnh vải là các chi tiết của một sản phẩm và đạt độ chính xác 100%. Sau khi vải được cắt sẽ được tự động đưa vào băng chuyền và chuyển đến các vị trí của công nhân may.
Ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH May Quốc tế Việt An cho biết, đầu năm 2022, hoạt động sản xuất của Công ty gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động. Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã đề ra chiến lược tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại hóa; trong đó tập trung mua sắm máy móc hiện đại như: cắt, chải vải, may lập trình, máy thổi lông vũ… với tổng chi phí gần 150 ngàn USD.
Việc đầu tư máy móc tự động này đã giúp Công ty giảm lao động tại mỗi công đoạn sản xuất. Hiện nay, một người lao động có thể điều khiển 5 máy cắt, chải vải cùng lúc, thay vì mỗi công nhân điều khiển 1 máy nhưtrước đây.
Giảm áp lực nguồn cung lao động
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh có khoảng 13 ngàn DN đang hoạt động với 71 ngàn lao động. Các DN đang thiếu khoảng 8.000 lao động, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề thâm dụng lao động lớn như may mặc, giày da.
Thời gian tới, khi các KCN đi vào hoạt động và lấp đầy sẽ cần thêm khoảng 30 ngàn lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động bắt buộc DN phải tính toán đến việc đầu tư công nghệ hiện đại. Công nghệ không chỉ giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn giảm áp lực trong tuyển dụng nguồn lao động.
Theo UBND tỉnh, Chính phủ đã phê duyệt chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, với mục tiêu số DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20%/năm. Năng suất lao động của DN sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần so với khi chưa đổi mới. Bộ Công thương cũng duy trì triển khai chương trình hỗ trợ DN đầu tư máy móc thiết bị cho sản xuất từ nguồn vốn khuyến công Trung ương và tỉnh.
Dư địa và cơ hội để DN đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh là rất lớn. Vì vậy, DN cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công nghệ, cân đối nguồn lực tài chính, nhân lực để bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, tạo đòn bẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nguồn lao động trong tương lai.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN