Lợi ích từ việc hợp tác chăn nuôi, trồng trọt
Để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bền vững, nhiều mô hình, tổ hợp tác ở huyện Châu Đức đã được thành lập và mang đến những hiệu quả tích cực.
Hội viên Hội LHPN xã Bình Trung tham quan vườn măng tây của gia đình chị Nguyễn Thị Túy. |
Mạnh dạn đổi mới cây trồng
Nhiều năm qua, người dân xã Bình Trung (huyện Châu Đức) chỉ trồng tiêu, điều, mì, bắp… Vài năm gần đây, nông dân trồng thêm loài cây mới là măng tây. Măng tây được thị trường ưa chuộng, giá bán khá ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, chị Nguyễn Thị Túy (thôn 4, xã Bình Trung) mạnh dạn chuyển đổi 6.000m2 đất trồng bắp, mì hiệu quả thấp sang trồng măng tây. Sau 3,5 tháng chăm sóc, vườn măng tây bắt đầu cho thu hoạch. Từ đó, đều đặn mỗi lứa (trung bình 3 tháng), vườn măng tây mang về khoản thu nhập 15 triệu đồng cho gia đình chị Túy.
Măng tây được tiểu thương bao tiêu nên đầu ra ổn định, giá bán cao, từ 80-150 ngàn đồng/kg, tùy loại. Thấy hiệu quả, nhiều hội viên phụ nữ trong xã cũng chuyển đổi trồng loại cây này. Chị Túy được tín nhiệm bầu là chủ nhiệm tổ hợp tác “Trồng măng tây” do Hội LHPN xã Bình Trung thành lập. “Vào tổ hợp tác, chị em tích cực chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để chăm sóc măng tây hiệu quả”, chị Túy nói.
Bà Phạm Thị Thùy Ân, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trung cho biết, từ đầu năm 2021, khi măng tây được các hội viên trồng thử nghiệm, Hội LHPN xã đã tìm hiểu thực tế và những khó khăn hội viên gặp phải để kịp thời có hướng hỗ trợ. Nhận thấy việc liên kết sản xuất tạo hiệu ứng tốt, giúp hội viên tự tin tìm hướng sản xuất, tháng 8 vừa qua, tổ hợp tác trồng măng tây của Hội LHPN xã Bình Trung được thành lập. Tham gia tổ hợp tác, hội viên được tín chấp vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội từ 30-50 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất. Hội cũng liên kết chia sẻ kỹ thuật chăm sóc, cây giống, tìm đầu ra...
Hiệu quả từ những tổ hợp tác
Xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức có tổ hợp tác nuôi dê làm ăn khá hiệu quả. Tổ có 13 hội viên, với tổng đàn 200 con, tăng gấp 2 lần khi chưa có THT. Do chăn nuôi theo mô hình tổ nhóm, vừa chia sẻ kinh nghiệm vừa chia sẻ đầu mối tiêu thụ nên các thành viên tổ hợp tác đều thuận lợi. Thu nhập từ chăn nuôi dê đạt cao, trung bình 100 triệu đồng/hộ/năm.
Bà Đào Thị Ngọc Quyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Sơn cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập với mục tiêu chính là vận động chị em hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăm sóc, giống cây trồng nhằm liên kết với nhau, tạo môi trường đoàn kết trong công việc và cuộc sống. Sắp tới, Hội LHPN xã sẽ phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức tập huấn hoặc hỗ trợ cây-con giống thêm giúp chị em phát triển kinh tế”.
Theo bà Võ Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức, từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Châu Đức đã vận động thành lập 4 tổ hợp tác với 33 thành viên. Hiện nay, tổng số tổ hợp tác của phụ nữ trên địa bàn huyện là 18 tổ, với 176 thành viên. Việc thành lập các tổ hợp tác giúp hội viên trên địa bàn huyện chuyển từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, liên kết tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: MAI NGỌC